MỘT SỐ SỰ KIỆN TRONG NGÀY 20 THÁNG 7

Việt Nam
* Luật sư Trịnh Đình Thảo sinh ngày 20-7-1901 tại Hà Đông. Thời trẻ, ông học ở Hà Nội rồi du học bên Pháp. Tốt nghiệp cử nhân văn chương, cao học kinh tế và thương mại, tiến sĩ luật khoa, năm 1929 ông về nước, làm luật sư tại toà Thượng thẩm Sài Gòn hơn 40 năm. Trong các lần bào chữa các vụ án chính trị, ông tận tình bênh vực những người yêu nước nên được đồng bào quý mến, giới trí thức kính trọng. Năm 1945 ông là Bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở lại với nghề luật sư.
Sau năm 1945 ông tham gia hoạt động nội thành Sài Gòn. Năm 1968 ông ra chiến khu tham gia thành lập "Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình Việt Nam" nhằm động viên chấm dứt chiến tranh.
Ông từng giữ các chức vụ; Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ hoà bình Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.
Ngày 31-3-1986 ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh thọ 85 tuổi.

* Cuốn "Tự chỉ trích" do đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh là Trí Cường, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương viết tại Hà Nội, ở một gác xép trên sân thượng nhà băng Đông Dương (nay là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) và được nhà xuất bản Dân Chúng phát hành ngày 20-7-1939. Cuốn sách nhằm chỉ đạo kịp thời đảng viên và quần chúng trong tình hình mới. Cuốn sách đề cập đến các vấn đề: Nguyên tắc phê và tự phê của Đảng, một số bài học rút ra từ các cuộc vận động tuyển cử, đấu tranh bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ chống tả và hữu khuynh, tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ.
Đây là một tác phẩm lý luận tổng kết kinh nghiệm chủ yếu của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn trong phong trào Cách mạng Việt Nam.

* Ngày 20-7-1954 Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc. Các bản hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị thông qua Bản tuyên bố chung thừa nhận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào, quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.
Bản tuyên bố chung có ghi rõ: ở Việt Nam "đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không để coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ", và quy định thời hạn dứt khoát về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7-1956.
Hội nghị Giơnevơ thành công là thắng lợi to lớn của nhân dân Đông Dương, nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, đồng thời là đòn giáng mạnh vào âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh Đông Dương của Đế quốc Mỹ. Hội nghị Giơnevơ thắng lợi, hoà bình được lập lại ở Đông Dương, nhân dân miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đó là một bước ngoặt quan trọng đối với Cách mạng Việt Nam.

* Ngày 20-7-1959, theo sáng kiến của Hội đồng đoàn kết nhân dân Á Phi họp ở Lơ Ke (Ai Cập) là ngày nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh thống nhất Tổ quốc. "Ngày Việt Nam" đầu tiên đã được tổ chức của trên hai mươi nước tổ chức trọng thể. Từ đó cứ đến ngày 20-7 hàng năm, ngày kỷ niệm ký kết Hiệp định Giơnevơ, nhân dân thế giới lại tổ chức "Ngày Việt Nam" để ủng hộ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

* Ngày 20-7-1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai pháp lệnh "quy định nhiệm vụ, quyền hạn" và "quy định chế độ cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan cảnh sát nhân dân Việt Nam". Ngày đó trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự giúp đỡ đùm bọc của nhân dân, sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng, lực lượng Cảnh sát nhân dân sát cánh với Quân đội nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và không ngừng trưởng thành về nhiều mặt. Đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp tiến công nhằm trấn áp bọn tham ô, trộm cắp, buôn lậu, lưu manh côn đồ... và bài trừ các tệ nạn xã hội, quản lý tốt trật tự công cộng. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân, các lực lượng Cảnh sát nhân dân đã được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh.

* Nguyễn Đổng Chi, nhà nghiên cứu văn hoá, sinh ngày 6-1-1915 tại xã Hậu Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Ông là Giáo sư tận tình, nhiệt tình với việc vun bồi nền văn hoá Việt Nam, từng tham gia hoạt động cứu quốc trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội Văn nghệ Cứu quốc Nghệ An, Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới - Liên khu 4, Viện trưởng Viện Hán Nôm và là Chuyên viên ở Viện Văn hoá dân gian, Uỷ viện chấp hành Hội Văn nghệ dân gian. Trong thời gian làm việc ở Viện Sử, ông nghiên cứu phong trào nông dân trong lịch sử và từng phát hiện di chỉ đồ đá núi Đọ.
Các tác phẩm chính của ông gồm có: "Việt Nam cổ văn học sử", "Mọi KonTum", "Hát dặm Nghệ Tĩnh", "Lược khảo về thần thoại Việt Nam", "Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam", "Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam", "Thời đại Hùng Vương", "Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Việt Nam trong lịch sử xã hội phong kiến", "Địa chí văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh". v.v...
Ông mất ngày 20-7-1984, thọ 69 tuổi.

Thế giới
* Ngày 20-7-1969, hai nhà du hành vũ trụ Mỹ - Amxtrong và Anđriu - lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng trên con tàu vũ trụ Apollo 11. Từ mặt trăng vọng về trái đất câu nói nổi tiếng của Amxtrong "Một bước đi của con người ở đây là bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại".


 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn