MỘT SỐ SỰ KIỆN TRONG NGÀY 4 THÁNG 6


Việt Nam
* Đồng chí Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi học sư phạm ở Sài Gòn, đông chí đi dạy học ở tỉnh Long Xuyên cũ.
Năm 1927, đồng chí vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1929 đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Kỳ bộ thanh niên Nam Kỳ, rồi tham gia sáng lập An Nam cộng sản Đảng.
Đầu năm 1930, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là hai đại biểu của An nam cộng sản Đảng đi dự hội nghị hợp nhất và trở thành những đồng chí sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau đó, Châu Văn Liêm trở về Sài Gòn lãnh đạo công tác Đảng ở Nam Kỳ, đặc trách tỉnh Chợ Lớn. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình của nông dân Đức Hoà phản đối chính quyền thực dân ở tỉnh Chợ Lớn, ngày 4-6-1930. Bọn Pháp xả súng bắn vào đoàn biểu tình, và đồng chí Châu Văn Liêm đã anh dũng hy sinh.
Ở thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố mang tên Châu Văn Liêm.

* Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ngày 4-6-1945 Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố chính thức thành lập khu giải phóng, bao gồm 2 căn cứ lớn nằm trên địa bàn của 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái...
Trong Khu giải phóng, các Ủy ban nhân dân do dân cử được hình thành, và tổ chức thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Khu giải phóng với gần một triệu đồng bào, thuộc nhiều dân tộc khác nhau đã bắt đầu được hưởng một cuộc sống mới do cách mạng đem lại, thực sự là "hình ảnh nước Việt Nam mới". Cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước, Khu giải phóng đã tạo thành một hậu phương và bàn đạp cho thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

* Buổi tối mồng 4-6-1956, Hồ Chủ tịch đã tới thăm lớp bình dân học vụ ở chùa Vua và ở trường Nguyễn Du, Hà Nội. Hầu hết học viên ở hai lớp này là người lao động, ban ngày bận làm việc. Bác ân cần hỏi han việc học tập của họ và động viên chăm chỉ tới lớp, thầy giáo tận tình dậy học.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch rất quan tâm tới việc xóa nạn mù chữ và nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân. Riêng với Hà Nội, Bác đã 13 lần đến thăm các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hoá ở các khu lao động, đường phố và nhà máy.

* Ngày 4-6-1962, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Vĩnh Phú nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
Việt Trì nằm trên ngã ba sông Lô và sông Hồng. Đây là một thành phố công nghiệp hoàn toàn mới do cán bộ, công nhân ta xây dựng từ khi hoà bình lập lại (năm 1954). Việt Trì có các nhà máy như: Giấy, đường, dệt, hoá chất... Các nhà máy này đã góp phần vào công cuộc xây dựng CHXH ở miền Bắc sau giải phóng và trong sự nghiệp Công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hiện nay.

* Ngày 30-5-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh đã ký "Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước", và "Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo thầy thuốc". Pháp lệnh trên được công bố và có hiệu lực từ ngày 4-6-1985.
"Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước" nhằm tặng giải thưởng cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn hoá, nghệ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 được trao tặng ngày 10-9-1996 cho 33 cụm công trình khoa học - kỹ thuật và 44 cụm công trình văn hoá - nghệ thuật.

Thế giới
* Ngày 4-6-2000, một trận động đất cường độ lớn xảy ra tại tỉnh Bengkulu (Indonesia) làm 66 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và phá huỷ hàng loạt các công trình lớn.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn