MỘT SỐ SỰ KIỆN TRONG NGÀY 6 THÁNG 5


  
Việt Nam
* Nhà báo Hồng Chương tên thật là Trần Chương, sinh vào ngày 6-5-1911 tại Quảng Trị và mất tại Hà Nội ngày 18-3-1989.
Ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ từ năm 1937, đã từng bị đế quốc Pháp bắt, kết án tù 2 lần và đày đi Buôn Ma Thuột. Sau Cách mạng tháng Tám, đến khi qua đời, lần lượt làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Trung Bộ, Đội trưởng Đội biệt động đường số 9 (Quảng Trị), Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt nam.
Ngoài viết báo ông còn làm thơ, viết tiểu thuyết và có nhiều tập phê bình, tiểu luận về văn học, nghệ thuật.

* Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, quê ở Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh Hà Nội) sinh ngày 6-5-1912.
Trước năm 1945 ông đã tham gia hoạt động cách mạng, phục vụ văn hoá cứu quốc, ông từng viết nhiều truyện dã sử và kịch lịch sử ở tuần báo "Tri Tân". Trong kháng chiến chống Pháp, ông là một trong những người đứng ra lập Hội Văn nghệ Việt Nam góp phần xây dựng nền Văn nghệ kháng chiến từ buổi đầu. Ông cũng là người sáng lập đồng thời là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng - Nhà xuất bản sách cho thiếu nhi đầu tiên dưới chế độ mới.
Những sáng tác chính của ông là "Đêm hội Long Trì", "Vũ Như Tô", "Cột đồng mã viên", "những người ở lại", "Ký sự Cao Lang", "Truyện anh Lục", "Bốn năm sau", "Sống mãi với thủ đô"...
Trong đó có nhiều tác phẩm được dựng thành phim, thành kịch để đến với đông đảo khán giả.
Ông mất ngày 25-7-1960 khi mới 48 tuổi.

* Ngày 6-5-1942, tại Tôkyô Chính phủ Pháp và Nhật ký kết hiệp ước về quan hệ kinh tế giữa Nhật và Đông Dương. Các văn bản được ký kết bao gồm:
1- "Hiệp ước về cư trú và hàng hải", văn bản này thoả thuận cho người Pháp, Nhật và người bản sứ được mua động sản, bất động sản, thuê nhà, kinh doanh, lập hội, học hành... và một số quyền "đồng đẳng với người bản quốc" như thông hành, cư trú, pháp luật, tố tụng... Văn bản cũng thoả thuận cho tàu biển của Pháp và Nhật được tự do và các hải cảng của Nhật và Đông Dương.
2. "Hiệp ước về quan thuế và thương mại". Văn bản này thoả thuận hàng hoá của Đông Dương xuất sang Nhật và ngược lại đều được hưởng một chế độ thuế quan nhẹ. Hiệp ước còn quy định các thể thức thanh toán giữa hai nước. Hai bản hiệp ước trên thực tế đã mở cửa cho Nhật xâm nhập kinh tế vào Đông Dương một cách mạnh mẽ. Như vậy Nhật ngày càng trở thành bạn hàng chủ yếu, có lúc gần như duy nhất của hoạt động ngoại thương Đông Dương trong đó có Việt Nam.

* Ngày 6-5-1951 Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành sắc lệnh thiết lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngân hàng có nhiệm vụ: Quản lý ngân quỹ quốc gia, quản lý ngoại tệ, quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính, đấu tranh tiền tệ với địch.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời để góp phần giải quyết những khó khăn về kinh tế tài chính, đẩy mạnh kháng chiến. Ngân hàng có kế hoạch cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, giúp công thương mở mang kinh doanh. Riêng năm 1953-1954 Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã giúp đỡ nông dân ở 620 xã, phát động quần chúng giảm tô cải cách ruộng đất và lập được 8605 quỹ vay mượn tương trợ...
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc và đồng chí Lê Văn Lương là Phó tổng giám đốc. Đây là các cán bộ đầu tiên của ngành Ngân hàng nước ta.
Ngày nay Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực sự là ngân hàng mẹ của hệ thống các ngân hàng hiện có. Ngành Ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và kinh doanh tiền tệ.

Thế giới
* Con đường hầm xuyên qua đáy biển Măngsơ nối liền Anh và Pháp được Nữ hoàng Anh Elizabét II và Tổng thống Pháp Mittơrăng cắt băng khánh thành vào ngày 6-5-1994. Con đường dài 150 km, trong đó có 114 km ngầm dưới đáy biển. Ba con đường ngầm được đào dưới độ sâu 45 m. Có hai đường chính và một con đường cứu nạn ở giữa. Đường được thiết kế cho loại tàu điện rộng 4 mét chạy qua. Một đầu của đường ngầm là ga Cokeile của nước Pháp đầu kia là ga Sieborg của nước Anh.
Đây là một công trình đường ngầm vĩ đại có một không hai trên thế giới, nó có ý nghĩa trọng đại trong quá trình phát triển hệ thống giao thông toàn châu Âu.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn