Đấm đá trong cung đình CSVN: Võ Văn Thưởng chính thức bị phế truất

 Thực Hiện -  Bureau CTM Media - Âu Châu - 22/03/2024

Đấu đá cung đình Cộng Sản Việt Nam: Võ Văn Thưởng chính thức bị phế truất

Sài Gòn Nhỏ 

VỞtuồng nhiều hồi một cảnh về thay đổi nhân sự chóp bu do đảng CSVN dàn dựng đang được diễn lại, mà theo đồn đãi mấy ngày qua, ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước “đã bị cưa ghế.”

“Bổn cũ” diễn hồi đầu năm ngoái, khi ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa nay được “soạn lại” với diễn viên chính là ông Thưởng; tình tiết của vở diễn đã được đồn đại trên báo chí “lề trái” và các trang mạng xã hội mấy ngày nay. Cũng đã có nhiều bậc thức giả bình luận về lý do tại sao Thưởng bất ngờ bị gãy ghế, nhưng đằng sau vở tuồng đó là gì và ai sẽ lên thay Thưởng vẫn chưa có lời giải.

Mọi mũi dùi đều chĩa về ông Thưởng

Câu chuyện Thưởng bị phế truất rộ lên từ khi có thông tin Việt Nam đột ngột đình hoãn vào phút chót chuyến thăm cấp nhà nước của vua và hoàng hậu Hòa Lan từ 19 đến 22 Tháng Ba, 2024 do “tình hình nội bộ,” gây bất ngờ và sửng sốt cho cả hoàng gia và truyền thông Hòa Lan.

Kết nối vụ đình hoãn vô tiền khoáng hậu này với thông tin ngày 8 Tháng Ba, 2024, về vụ bắt giam và điều tra tội nhận hối lộ các ông Cao Khoa, cựu chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh. Hai ông này giữ chức trong giai đoạn 2011-2014, thời gian mà ông Thưởng làm bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngãi. Một vụ bắt giam khác là ông Đặng Trung Hoành, chánh Văn Phòng Huyện Ủy huyện Măng Thít (quê hương của ông Thưởng), được cho là anh họ ông Thưởng. Thông tin được phía công an đưa ra nói ông Hoành đã nhận 60 tỷ đồng hối lộ của Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn đã bị bắt, để giúp tập đoàn này trúng thầu một dự án lớn ở tỉnh Quảng Ngãi nơi ông Thưởng làm bí thư. Thông tin ông Võ Văn Thưởng nộp đơn xin từ chức bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội.

Củng cố cho thông tin đó, một bản tin của báo Quân Đội Nhân Dân hôm 14 Tháng Ba cho biết bà Trương Thị Mai, 66 tuổi, thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, đã tiếp bà Khamphao Ernthavanh, tân đại sứ Lào tại Việt Nam, đến chào nhân dịp sang nhận nhiệm vụ công tác. Theo thông lệ, tiếp các đại sứ đến chào là phần việc của chủ tịch nước, bà Mai là quan chức đảng, sao lại tiếp khách thay ông Thưởng?

Hóa ra, theo tin “không chính thức,” trước đó một ngày, hôm 13 Tháng Ba, Bộ Chính Trị đảng CSVN đã họp kín và buộc ông Thưởng phải “xin thôi” tất cả các chức vụ. Số phận của ông Thưởng như vậy đã được định đoạt chỉ sau một năm ngồi ghế chủ tịch nước.

Đàn gà đại biểu và khán giả nhân dân

Theo thủ tục, một hội nghị bất thường của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN được tổ chức vội vã vào chiều Thứ Tư, 20 Tháng Ba, tại Hà Nội để phê chuẩn quyết định của Bộ Chính Trị. Và sau đó, sáng mai Thứ Năm, 21 Tháng Ba, Quốc Hội sẽ tổ chức phiên họp bất thường (lần thứ sáu) để bãi miễn chức chủ tịch nước và tư cách đại biểu Quốc Hội của ông Thưởng.

Các cuộc họp bất thường này, tiêu tốn nhiều tiền bạc của ngân khố, nhưng chỉ là màn trình diễn nhạt nhẽo, vô tích sự, nhằm hợp thức hoá một quyết định đã có của nhóm lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính Trị. Hai trăm ủy viên Trung Ương Đảng và năm trăm đại biểu Quốc Hội không có quyền chọn lựa gì cả mà chỉ là những đàn gà, được lùa vào một chỗ, chơi trò chơi “dân chủ” để bịp dân chúng.

Dân chúng thì ngơ ngơ ngác ngác không hiểu chuyện gì đang diễn ra ở chốn thâm cung; gần một ngàn cơ quan báo chí truyền hình thì im lặng như không có chuyện gì xảy ra, còn mạng xã hội thì nóng hổi nhưng nhiều tin đồn, nhiều suy đoán thật giả lẫn lộn. Những lúc như thế này, người dân mới thấm thía rằng, trong một nước mà nhà cầm quyền luôn rêu rao “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì người dân chỉ là những khán giả bất đắc dĩ cho một gánh hát bội, diễn đi diễn lại từ năm này qua năm khác một vở tuồng có nhiều hồi nhưng chỉ có một cảnh và các diễn viên nói năng bộ dạng y hệt như nhau.

Khán giả đã chán nản lắm, nhưng buộc phải xem, không có quyền ý kiến, không có quyền thay đổi, chỉ được ra sức làm việc và nộp thuế cho gánh hát tuồng không biết đến bao giờ mới giải tán. Dân chủ ở Việt Nam quả là một thứ “dân chủ phường tuồng,” trong đó người dân chỉ đóng vai trò khán giả không có quyền lên tiếng.

Mọi con đường đều dẫn đến Tô Lâm

Công việc “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện từ năm 2013 có một tác dụng ít người để ý là nó đề cao và củng cố quyền lực của tổng bí thư đảng CSVN, vốn mờ nhạt dưới thời ông Nông Đức Mạnh và bị lấn lướt bởi ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng đã biến tổng bí thư thành chiếc ghế quyền lực nhất mà quan chức chóp bu nào cũng thèm muốn. Nhân danh chống tham nhũng làm trong sạch đảng, ông Trọng sử dụng Ban Nội Chính Trung Ương và Ban Kiểm Tra Trung Ương gieo rắc nỗi khiếp sợ cho hàng ngũ thuộc cấp và triệt hạ những đối thủ không cùng phe cánh. Trước mỗi kỳ họp của Ban Kiểm Tra Trung Ương, bao quan chức chóp bu đã mất ăn mất ngủ vì không biết mình có tên trong sổ Nam Tào của ông Trọng hay chưa.

Nhưng các ban của đảng không có chức năng bắt người nên cánh tay đắc lực nhất của Trọng chính là Bộ Công An dưới quyền Tô Lâm. Tất cả những vụ bắt bớ đình đám nhất gần đây đều do lệnh của Lâm, sau đó Lâm yêu cầu các ban của đảng thi hành kỷ luật trước khi đưa can phạm ra xử.

Gần đây Tô Lâm tác oai tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng trong dân chúng nhưng không ai dám hé răng. Nhà nước CSVN hiện thời thực chất là một nhà nước công an trị, trong đó cả nhà nước, cả đảng cộng sản đều đã thành “con tin” bị công an khống chế.

Lâm cũng chính là người thèm khát chiếc ghế quyền lực số một của ông Trọng. Vế lý thuyết, Lâm chưa phải là một trong “tứ trụ” nên nếu Trọng đột tử thì chưa đến lượt Lâm ngồi vào ghế tổng bí thư; trước Lâm còn có Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội và Phạm Minh Chính, thủ tướng và… Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước. Trong đó Thưởng là người có triển vọng nhất vì cùng “lú” chủ nghĩa Mác-Lê như Trọng, được Trọng nâng đỡ làm người kế vị.

Nhưng trong cuộc đua quyền lực, tham vọng càng cao thì càng dễ ngã. Nếu Thưởng, và cả Phúc trước đây, cam phận ngồi im ở chức vụ chủ tịch nước hữu danh vô thực thì có thể anh ta sẽ yên ổn. Tội lỗi, nếu có, của Thưởng xảy ra cũng đã chục năm rồi, khi anh ta mới chỉ là quan đầu tỉnh. Nhưng khi ngắm nghía chiếc ghế tổng bí thư, Thưởng đã tự biến mình thành vật cản của Tô Lâm và do đó anh ta phải bị cưa ghế.

Lâm đã cho mở lại hồ sơ tập đoàn Phúc Sơn ở Quảng Ngãi trong kho lưu trữ của Bộ Công An để triệt hạ Thưởng. Mai mốt, nếu Chính và Huệ không “phục thiện” thì số phận của hai nhân vật này có thể cũng không khác Thưởng vì hồ sơ phạm tội của họ lại có thể được Lâm đem ra phủi bụi.

“Theo nhận định của giới quan sát, nếu tin đồn ông Thưởng mất chức chủ tịch nước là có thật, hai ứng viên hàng đầu cho ghế này là bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm,” báo Người Việt đưa tin hôm 16 Tháng Ba.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Tô Lâm sẽ không thèm chiếc ghế chủ tịch nước chỉ có tính lễ nghi. Là kẻ hiếu sát, Lâm muốn có thực quyền, muốn nắm chiếc ghế quyền lực nhất. Đã từng có ý kiến đề nghị Tô Lâm làm chủ tịch nước thay Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm 2023 nhưng ông ta từ chối. Trong thể chế “vua tập thể” của đảng CSVN, chủ tịch nước thực ra là chức vụ ít quan trọng nhất, Lâm sẵn sàng nhường cho Thưởng nhưng tiếc là Thưởng “chẳng biết điều” cứ chú chú cháu cháu với bác Trọng!

Tham vọng tổng bí thư của Lâm còn hiện rõ qua quan hệ với Trung Quốc vì Bắc Kinh có vai trò bí mật trong việc sắp xếp nhân sự cao cấp ở Việt Nam.

Ngày 10 Tháng Giêng, 2024, trong lúc ông Trọng thập tử nhất sinh thì tại Hà Nội, Tô Lâm tiếp Thứ Trưởng Trần Tư Nguyên, nhân vật số hai của Bộ Công An Trung Quốc. Không khó nhận ra rằng, các chiến dịch bắt bớ, đàn áp tàn bạo trí thức và nhà báo ở Việt Nam, và các “sáng kiến” thay đổi thẻ căn cước gần đây của Tô Lâm đều mang đậm dấu ấn của Công An Trung Quốc trong chiến lược kiểm soát toàn diện xã hội bằng công nghệ mà Bắc Kinh đã làm lâu nay.

Hôm 17 Tháng Hai, 2024, trong lúc người dân uất hận kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc thì Tô Lâm tổ chức một “bữa tiệc âm nhạc linh đình” tại nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công An giữa thủ đô Hà Nội, thực chất là nỗ lực xóa bỏ “ký ức ngày 17/2” trong nhân dân, tâng công với cộng sản phương Bắc.

Mọi con đường đều dẫn tới Tô Lâm. Chủ tịch nước sắp lên có thể là bà Trương Thị Mai, thậm chí có thể là bà Võ Thị Ánh Xuân, đương kim phó chủ tịch nước; nhưng chiếc ghế quyền lực nhất của chế độ nhất thiết phải thuộc về Tô Lâm một khi Nguyễn Phú Trọng đi chầu các ông tổ cộng sản, sớm thôi.

Chantroimoimedia.com


Tất cả các báo trong nước đều đăng tin giống nhau khi “tường thuật” vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức. Những bản tin (ngày 20 Tháng Ba 2024) về vụ “Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ” đều có đoạn:


“Vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông (Võ Văn Thưởng) đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Không bất kỳ tờ báo nào cho thấy “những điều đảng viên không được làm” của Võ Văn Thưởng là gì, trong khi “những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”. Dư luận xấu cụ thể là gì, cũng chẳng ai biết, nhưng chắc chắn rằng cho dù Võ Văn Thưởng có làm gì xấu thì bộ mặt của đảng cộng sản cai trị Việt Nam cũng chẳng vì thế mà xấu hơn.

Những chức danh mà Võ Văn Thưởng bị phế truất, theo “nguyện vọng” của đương sự (như cách nói của báo chí trong nước) gồm:

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Chỉ cách đây không lâu, Võ Văn Thưởng vẫn còn được coi là ngôi sao chính trị sáng của Việt Nam, một đại diện thế hệ trẻ dẫn dắt Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào hội nhập quốc tế. Võ Văn Thưởng thậm chí được xem là nhân vật tiềm năng có thể kế thừa ghế Tổng bí thư đảng của Nguyễn Phú Trọng.

Nói về vụ việc, Sui-Lee Wee, chánh văn phòng Đông Nam Á của The New York Times, viết:

“Truyền thông nhà nước hôm thứ Tư đưa tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã từ chức sau khi vi phạm các quy định của Đảng Cộng sản, là vị chủ tịch nước thứ hai từ chức trong vòng hơn một năm. Những tường thuật liên quan vụ việc không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về hành vi sai trái bị cáo buộc của ông… Những năm gần đây, quyền lực phần lớn được củng cố trong tay lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng… Việc ông Thưởng từ chức có thể sẽ khiến nhiều quan chức trong hệ thống độc đảng vốn tự hào về sự đoàn kết và ổn định cảm thấy lo lắng. Và đó có thể là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đối với tương lai Việt Nam…”

Nhà báo Sui-Lee Wee cũng dẫn lại ý kiến của ông Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức nghiên cứu ở Singapore, rằng: “Việc hai chủ tịch nước từ chức trong vòng hai năm không phải là dấu hiệu tích cực đối với một quốc gia thường được ca ngợi về sự ổn định chính trị”, rằng cục diện đấm đá trong cung đình kín như bưng của bộ máy đảng cai trị Việt Nam đang báo hiệu một thời kỳ tranh giành quyền lực “căng thẳng” trong nội bộ đảng trước đợt chuyển giao lãnh đạo tiếp theo vào năm 2026.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, Võ Văn Thưởng đã gặp nhiều lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Cần nhắc lại, Võ Văn Thưởng, 54 tuổi, nhậm chức Chủ tịch nước vào Tháng Ba 2023, hai tháng sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cũng “từ chức”. Tương tự cách tường thuật vụ Võ Văn Thưởng từ chức, những bản tin Nguyễn Xuân Phúc từ chức cũng có đoạn:

“Ông… là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước”.

Về lý do Nguyễn Xuân Phúc “từ chức”, thông tin được đưa ra tương đối “chi tiết” hơn, rằng Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.

Với bức màn đen luôn phủ kín chính trường CSVN, chẳng người dân nào có thể biết chính xác điều gì đang xảy ra trong cung đình, rằng nguyên nhân nào khiến Võ Văn Thưởng bị “đá”, và thật sự có bao nhiêu phe nhóm cầm dao rựa đang hoặc sắp chặt chém nhau. Có điều, dư luận râm ran việc Võ Văn Thưởng liên quan đến màn thanh trừng tại Quảng Ngãi, vốn là cứ địa một thời của Thưởng.

Tất cả các cuộc chỉnh đốn đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhân danh chống tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam không phải là vấn đề cá nhân đảng viên. Trẻ con cũng biết nguồn gốc tham nhũng Việt Nam là hệ thống cai trị. Nguyễn Phú Trọng phát động đánh tham nhũng từ năm 2016 nhưng hiện Việt Nam vẫn nằm ở hạng 83 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng, dưới Trung Quốc và Cuba. Hàng nghìn đảng viên ở tất cả các cấp chính quyền đã bị cách chức, bị khai trừ khỏi đảng hoặc ngồi tù đếm kiến.

Tuy nhiên, khi đảng càng đánh tham nhũng, người dân càng thấy đảng thối nát như thế nào; khi tham nhũng càng được khơi ra, càng thấy rằng tất cả chỉ là những cuộc thanh trừng trong một hệ thống chính trị khép kín. Điều mỉa mai nhất là, càng xáo trộn nội bộ và nhiều bộ mặt tham nhũng được phơi bày trước toàn dân thì càng thấy Việt Nam chẳng bao giờ có minh bạch. Cách mà báo chí tường thuật những trường hợp “lên voi xuống chó” trên chính trường CSVN – với nội dung y hệt nhau, được mớm từ bộ máy truyền thông đảng và từ công an – một lần nữa chứng minh rằng thực tế chẳng có cái gì gọi là minh bạch và dân chủ ở Việt Nam cả.

(NV-News) Saigonnhonews.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn