Triều Tiên quả quyết không muốn đàm phán, đe dọa tiêu diệt Hàn Quốc nếu bị khiêu khích

 CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

10/02/2024

Hình chụp ngày 8/2/2024 và được Thông tấn xã Trung Ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 9/2/2024 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu tại Bộ Quốc phòng ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tái khẳng định không mong muốn ngoại giao với Hàn Quốc và rằng Triều Tiên sẽ tiêu diệt đối thủ của mình nếu bị khiêu khích, truyền thông nhà nước loan tin hôm 9/2.

Trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng Triều Tiên hôm 8/2, ông Kim tuyên bố những động thái gần đây của ông nhằm cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc cho phép quân đội của ông thực hiện một tư thế hung hăng hơn “bằng cách đảm bảo tính hợp pháp để tấn công và tiêu diệt (miền Nam) bất cứ khi nào được kích hoạt”.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã gia tăng trong những tháng gần đây, với việc ông Kim tăng cường trình diễn và đe dọa sử dụng vũ khí trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường các cuộc tập trận chung để đáp trả.

Trong khi hầu hết các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc đánh giá thấp khả năng ông Kim có ý định thực sự tiến hành chiến tranh, mối lo ngại về một hành động khiêu khích quân sự trực tiếp đã gia tăng khi Triều Tiên có thể cố gắng tăng cường áp lực trong năm bầu cử ở Hàn Quốc và Mỹ.

Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Triều Tiên đưa tin ông Kim cho biết ông chủ động đưa ra sáng kiến để “rũ bỏ chiêu trò đối thoại và hợp tác phi thực tế với những bù nhìn (Hàn Quốc) đang tìm cách làm sụp đổ nền cộng hòa của chúng ta”. Truyền thông Triều Tiên cho biết ông Kim trong chuyến thăm này có đi cùng con gái ông, Kim Ju Ae, người mà một số chuyên gia tin rằng đang chuẩn bị trở thành một nhà lãnh đạo tương lai.

Phát biểu của ông Kim Jong Un được đưa ra vài tuần sau khi ông tuyên bố trước quốc hội rằng Triều Tiên đang từ bỏ mục tiêu lâu dài là thống nhất hòa bình với Hàn Quốc và ra lệnh viết lại hiến pháp để coi Hàn Quốc là đối thủ nước ngoài thù địch nhất.

Kể từ đó, miền Bắc đã đóng cửa các cơ quan chính phủ xử lý các vấn đề với miền Nam, phá bỏ một tượng đài thống nhất và bãi bỏ các đạo luật chi phối các dự án kinh tế trước đây với miền Nam.

Các chuyên gia cho rằng nỗ lực của ông Kim nhằm điều chỉnh lại mối quan hệ với Hàn Quốc, diễn ra trong bối cảnh một loạt vụ thử vũ khí có khả năng hạt nhân nhắm vào các đối thủ láng giềng và Mỹ, nhằm mục đích giảm tiếng nói của Seoul và đưa tới đàm phán trực tiếp với Washington về bế tắc hạt nhân. Mục tiêu lâu dài của ông là buộc Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và đàm phán các nhượng bộ về an ninh, kinh tế ở thế mạnh.

Các nhà phân tích khác cho rằng ông Kim có thể muốn gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc để duy trì cảm giác về mối đe dọa từ bên ngoài đối với người dân trong nước. Chính phủ của ông Kim gần đây đã tăng cường các chiến dịch nhằm loại bỏ ảnh hưởng của văn hóa đại chúng và ngôn ngữ Hàn Quốc đối với người dân, điều mà ông có thể coi là có lợi trong việc củng cố bản sắc dân tộc của miền Bắc và kéo dài sự cai trị của triều đại gia đình ông.

Trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình trước với truyền hình địa phương phát sóng hôm 5/2, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã mô tả chính phủ của ông Kim là những tác nhân “phi lý” đang gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế đang suy sụp của Triều Tiên bằng cách tích cực mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phi đạn.

Ông Yoon nói: “Chúng ta cần ghi nhớ điều đó khi chuẩn bị chống lại các mối đe dọa hoặc hành động khiêu khích về an ninh của họ, chuẩn bị không chỉ cho những hành động dựa trên những đánh giá hợp lý mà còn cả những hành động dựa trên những kết luận phi lý”.



Voatiengviet.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn