Quan chức Mỹ-Việt: ‘Kinh tế, an ninh là động lực thúc đẩy quan hệ’

CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

28/01/2024

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 2023 để nâng cấp quan hệ

Hợp tác kinh tế và đảm bảo an ninh trong khu vực là những động lực thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, quan chức hai nước cho biết tại một hội thảo vừa diễn ra tại Washington D.C.

Hội thảo Việt-Mỹ 2024 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 24/1, hơn bốn tháng sau khi Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên ‘Đối tác chiến lược Toàn diện vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững’ tại Hà Nội.

‘Kỷ nguyên mới’

“Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là biểu tượng của sự mạnh mẽ trong mối quan hệ hai nước,” Thượng nghị sỹ Jeff Merkley, thành viên tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh Mạng Quốc tế của Ủy ba Đối ngoại thượng viện, nói trong phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Ông Merkley cho rằng an ninh là một trụ cột trong mối quan hệ Mỹ-Việt vì hai nước có cùng cam kết về hòa bình và ổn định trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ làm việc trên các diễn đàn đa phương như ASEAN, IPEF (Khuôn khổ Đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương) để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” vị thượng nghị sỹ này nói và thừa nhận một trong những vấn đề đằng sau việc Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ là ‘vai trò của Trung Quốc trong khu vực và quan ngại về Biển Đông’.

Về hợp tác kinh tế, Thượng nghị sỹ Jeff Merkley chỉ ra mặc dù đạo luật CHIPS và Khoa học tập trung vào việc đưa sản xuất chất bán dẫn trở về Mỹ nhưng nó cũng có nội dung về hợp tác sản xuất chip với các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, một lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng là sản xuất các tấm pin mặt trời cung cấp cho Mỹ. “Mỹ hiện cần tới 3 tỷ tấm pin mặt trời mà một mình Mỹ không thể nào sản xuất đủ,” ông nói thêm.

Trong phát biểu được ghi hình trước gửi tới hội thảo, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ cuối cùng ‘đã mở ra kỷ nguyên mới để Việt Nam có quan hệ đầy đủ với Mỹ’ – mục tiêu mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều thập niên qua.

“Việc nâng cấp là thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam vốn theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, vì hòa bình, phát triển,” ông Sơn nói.

Ngoại trưởng Việt Nam cho biết hai bên đang tập trung thực hiện 10 trụ cột của Đối tác Chiến lược Toàn diện mà trong đó kinh tế và giao thương là ‘động lực thúc đẩy’ trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh.

“Biến đổi khí hậu, đổi mới, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực mới để đưa quan hệ Mỹ-Việt tiến về phía trước,” ông Sơn nói thêm.

‘Không phải ngẫu nhiên’

Phát biểu trước hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết việc hai nước nâng cấp quan hệ ‘không phải là quyết định tình cờ’ mà là ‘kết quả của ý chí chính trị mạnh mẽ và nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo hai nước’.

Ông Dũng chỉ ra cuộc điện đàm hồi tháng Ba năm ngoái giữa Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘là bước ngoặt quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển quan hệ’.

Giải thích việc hai nước cần nâng cấp quan hệ, vị đại sứ này chỉ ra rằng trước khi nâng cấp, Mỹ là nước duy nhất trong số 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam chưa có quan hệ đối tác chiến lược. Trong khi đó, trong 10 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện, quan hệ song phương ‘đã đạt mức độ đối tác chiến lược’.

“Bước đi đó là sự tiến triển tự nhiên, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của hai nước,” ông nhấn mạnh và cho biết quan hệ với Mỹ sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu đề ra trong cương lĩnh phát triển đất nước đến năm 2030 của Đảng Cộng sản Việt Nam là trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Ông giải thích thêm chính sách của Mỹ và Việt Nam đối với khu vực cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cấp quan hệ, và chỉ ra Mỹ đã nâng cấp quan hệ với ASEAN hồi tháng 11 năm 2022 và Việt Nam cũng có nỗ lực nâng cấp quan hệ với Úc, Singapore và Indonesia trong năm 2023.

Về những trụ cột mối quan hệ mới giữa Mỹ và Việt Nam, Đại sứ Dũng nói rằng hợp tác an ninh và quốc phòng ‘là rất quan trọng’. Hà Nội sẽ hợp tác an ninh-quốc phòng với Washington phù hợp với năng lực và nhu cầu để đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực mà không khiến cho ai phải lo sợ.

“Trên hết, trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Toàn diện, chúng tôi muốn xây dựng khuôn khổ kinh tế lâu dài, bền vững cùng có lợi cho hai bên,” ông nói.

“Chúng tôi muốn thị trường Mỹ mở rộng hơn, thuận lợi hơn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Chúng tôi muốn Mỹ tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao, giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu để đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng không,” ông nói thêm.

Đại sứ Dũng nói Việt Nam ủng hộ IPEF nhưng muốn khuôn khổ này, vốn tập trung vào xây dựng chuỗi cung ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng, có thêm nội dung về mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và giới chức Việt Nam đang tích cực vận động, điển hình là trong chuyến đi Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để dự hội nghị cấp cao APEC, bản thân ông Thưởng và các thành viên trong đoàn đều kêu gọi Mỹ nhanh chóng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Nếu Mỹ không làm điều này thì nó sẽ có ‘tác động rất xấu đối với quan hệ song phương’, ông Dũng nhấn mạnh và chỉ ra Việt Nam là một trong số ít ỏi 12 nước và là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN bị Mỹ liệt vào nhóm có nền kinh tế phi thị trường.

“Khi nhìn đến quan hệ song phương thì điều này là không thể chấp nhận được,” ông nói thêm.

Ngoài ra, khuôn khổ mới cũng giúp hai nước mở rộng quy mô mối quan hệ trong nhiều năm tới – đó là vượt qua khuôn khổ song phương để phối hợp giải quyết các thách thức ở khu vực trên thế giới, cũng theo lời ông Dũng.

‘Không có gì đặc biệt’

Trả lời câu hỏi của VOA về việc Hà Nội muốn Washington nhìn nhận như thế nào về Cộng đồng chia sẻ tương lai mà họ loan báo cùng tham gia với Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam hôm 12/12, ông Dũng nói ‘không có gì đặc biệt’.

“Cộng đồng đó rất bình thường và không có gì khác hơn khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện mà chúng tôi có với Trung Quốc,” ông khẳng định và chỉ ra sáu trụ cột trong khuôn khổ này ‘hoàn toàn giống với khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện’ và Việt Nam là nước thứ 7 trong ASEAN tham gia và cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh.

“Chúng tôi chỉ mong muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi cũng muốn điều đó với Mỹ và Mỹ cũng hiểu,” ông nói.

Vị đại sứ này cũng cho biết Việt Nam cũng đang xem xét gia nhập khối BRICS do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo nếu việc này phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam nhưng ‘vẫn chưa quyết định’.

Về phần mình, ông Greg Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, lưu ý rằng ‘không nên đặt mối quan hệ Việt-Mỹ qua lăng kính với Trung Quốc một cách quá mức’.

“Chắc chắn là hai nước có gần gũi chiến lược trên một số vấn đề như Trung Quốc, Biển Đông, cân bằng quan hệ… nhưng quan hệ Mỹ-Việt có lịch sử lâu đời hơn căng thẳng hiện tại giữa Mỹ với Trung Quốc,” ông nói.

“Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với Mỹ như thị trường kinh doanh, thị trường giáo dục,” ông nói thêm.


Voatiengviet.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Muốn

Chuyện lạ như thật?