VinFast sẽ lên sàn ở Mỹ thông qua SPAC; giới phê bình xe Mỹ nặng lời về VF 8

 VIỆT NAM

13/05/2023

Hãng VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa loan báo sẽ lên sàn chứng khoán ở Mỹ thông qua SPAC. Thông tin được đưa ra khi có thêm gần 1.100 xe VF 8 của hãng mới cập cảng ở California và giới phê bình xe Mỹ đồng loạt nhận xét kém tích cực về loại xe này.

Hôm 12/5, hãng sản xuất xe hơi điện VinFast nói họ sẽ niêm yết ở Mỹ bằng cách sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition, một hãng mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hay còn gọi là “công ty rỗng”, “công ty séc khống”.

Black Spade Acquisition là một SPAC đặt trụ sở ở Hong Kong, đã lên sàn NYSE hồi tháng 7/2021 với kế hoạch sáp nhập trong vòng 2 năm với một hãng khác trong ngành giải trí là lý tưởng nhất, theo trang web của hãng, được Reuters nêu ra trong bản tin nói về động thái mới nhất của VinFast.

Các hãng SPAC được xem là con đường tắt đi đến thị trường chứng khoán, nhất là đối với các hãng công nghệ xe hơi. Thực tế cho thấy các nhà đầu tư muốn các loại cổ phiếu có giá trị như Tesla thường thích cách làm này, mặc dù giá trị của các công ty hợp nhất thường giảm trong những tháng sau khi lên sàn, Reuters viết.

Bản tin của Reuter dẫn một tuyên bố chung của VinFast và Black Spade cho hay sau khi sáp nhập, pháp nhân mới – tức công ty hợp nhất – sẽ có giá trị doanh nghiệp xấp xỉ 27 tỷ đô la và giá trị cổ phần là 23 tỷ đô la.

Giao dịch này dự kiến sẽ chốt lại trong nửa cuối của năm nay, 2023, và các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% cổ phần của công ty hợp nhất, vẫn theo Reuters.

VinFast nộp hồ sơ hồi tháng 12/2022 xin bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở sàn Nasdaq của Mỹ, nhắm mục tiêu sẽ được định giá là 60 tỷ đô la, nhưng nay hãng chuyển sang tìm cách niêm yết thông qua SPAC.

Động thái này của VinFast giống như cách mà các hãng xe hơi điện Microvast, Faraday Future, Nikola Corp và Lucid đã làm, bất chấp tình trạng nguội đi trong thị trường SPAC từng rất sôi động, Reuters cho hay. Thị trường này thời gian gần đây bị Ủy ban Giao dịch và Sàn Chứng khoán Mỹ (SEC) giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

Hãng xe ra đời năm 2017, nằm trong tay của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam, nói rằng đã nhận được gần 55.000 đơn hàng toàn cầu và có năng lực xuất xưởng 300.000 xe điện (EV) mỗi năm.

Cũng hôm 12/5, một số trang tin Việt Nam cho hay lô xe thứ hai của VinFast xuất sang Mỹ mới cập cảng Benicia, bang California, theo đó 1.098 chiếc VF 8 rời tàu, chờ bàn giao cho các khách hàng Mỹ.

Tin cho biết các phiên bản xe trong lô này có tầm chạy từ 243 dặm (391 km) đến 264 dặm (425 km), xa hơn so với phạm vi hoạt động của phiên bản City Edition mà 999 chiếc thuộc loại đó đã đến Mỹ vào cuối năm ngoái. Dự kiến, hãng sẽ giao lô xe mới cho khách hàng Mỹ từ tháng 6/2023.

Gần 1.100 chiếc VF 8 phiên bản Eco và Plus đến Mỹ khi đồng loạt vào sáng 12/5 ít nhất 7 trang tin Mỹ chuyên về xe hơi tung ra các bài viết với những hàng tít gây sốc nói rằng bản City Edition có nhiều lỗi, không đáng mua.

Trang Jalopnik mở đầu bài viết của họ với tiêu đề "Giới phê bình [xe] đều đồng ý: VinFast VF8 rất, rất tệ". Trang Road &Track rút tít "Lái lần đầu VinFast VF8 2023: Đơn giản là không chấp nhận được". Trang Green Car Reports thẳng thừng nói "Đừng mua VinFast VF8 2023 City Edition", còn dòng tít "Lần đầu lái VinFast VF8 2023 City Edition: Đơn giản là đừng" là của trang The Autopian.

MotorTrend đặt tên cho bài viết của họ là "Lái VinFast VF 8 lần đầu: Hãy trả lại người gửi [nhà sản xuất]". Edmunds đưa ra nhận xét rằng "Đã lái: VinFast VF8 2023 City Edition chưa đạt mục tiêu". Trong khi đó, InsideEVs có lời cảm thán ngắn gọn: "Đánh giá lần đầu lái VinFast VF8 2023 City Edition: Ôi dào".

(VOA sẽ sớm có bài đầy đủ.)



Voatiengviet.com


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn