Chiến thắng đầu tiên của lực lượng phản kháng Taliban

Quốc Đạt 3 giờ trước

 Một nhóm người dân Afghanistan tự vũ trang để đánh đuổi Taliban ra khỏi 3 quận phía bắc. Đây là cuộc tấn công phản kháng Taliban đầu tiên kể từ khi Kabul thất thủ.

Trong các cuộc phỏng vấn, các chỉ huy lực lượng địa phương chống Taliban ngày 20/8 khẳng định đã tiêu diệt 30 chiến binh của nhóm này và bắt sống 20 người khác, theo Washington Post.

Sau cuộc tấn công có sự giúp sức của người dân, lực lượng địa phương tiếp quản 3 quận Puli Hisar, Dih Salah, và Bano tại tỉnh Baghlan, cách thủ đô Kabul 160 km về phía bắc.

Hình ảnh trên mạng cho thấy người dân ăn mừng trong lúc quốc kỳ của Afghanistan được kéo lên trên nóc các tòa nhà chính quyền.

“Chúng tôi đã châm ngòi cho một sự kiện lịch sử tại Afghanistan”, Sediqullah Shuja, một cựu binh Afghanistan 28 tuổi tham gia vào cuộc nổi dậy ngày 20/8, cho biết. “Chiến binh Taliban có xe bọc thép, nhưng người dân lấy đá ném vào Taliban và đánh đuổi họ đi”.

Cuộc tấn công ngày 20/8 là dấu hiệu phản kháng mới nhất của người Afghanistan trước Taliban. Trước đó, từng có trường hợp người dân từ chối kéo lá cờ trắng của lực lượng này hoặc phụ nữ biểu tình để đòi bảo đảm quyền lợi.

Các sự kiện này phần nào thể hiện thách thức của lực lượng Taliban trong quá trình cố gắng thành lập một chính phủ được đông đảo các nhóm người Afghanistan và cộng đồng quốc tế chấp nhận, đặc biệt là những nước cấp viện trợ.

Nhưng cuộc tấn công ngày 20/8 có phải là tín hiệu cho thấy mặt trận quân sự mới chống lại Taliban hay không còn là vấn đề cần được xem xét.

Người dân vẫy quốc kỳ Afghanistan vào ngày quốc khánh 19/8 tại thủ đô Kabul, trong lúc Taliban vừa kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AFP.

“Taliban không nghe lời chúng tôi”

Về quân sự, sức mạnh hiện tại của Taliban vượt trội so với thời điểm lực lượng này nắm quyền Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001.

Chỉ trong 10 ngày, Taliban kiểm soát thủ phủ của toàn bộ các tỉnh tại Afghanistan, bất chấp việc chính phủ có trong tay đội quân được Mỹ viện trợ gồm 300.000 binh sĩ thuộc các binh chủng không quân, lục quân, và biệt kích.

Các thủ lĩnh của Taliban không lập tức đưa ra bình luận về các sự kiện ở Baghlan. Nhưng bài đăng trên Twitter của một tài khoản ủng hộ Taliban cho biết cuộc đụng độ này khiến 15 thành viên Taliban thiệt mạng, 15 người khác bị thương.

Cũng theo tài khoản này, có vẻ Taliban bị phản bội sau khi tuyên bố ân xá cho người dân địa phương.

“Tất cả những người đứng sau tội ác này đều phải bị tiêu diệt. Sẽ không còn cơ hội đàm phán nào nữa”, bài đăng của tài khoản Twitter nói trên viết.

Mặt phụ nữ trên các hình ảnh quảng cáo ở thủ đô Kabul bị bôi đen. Ảnh: AFP.

Cuộc nổi dậy ngày 20/8 xảy ra sau khi chiến binh Taliban đi khám xét từng nhà tại khu vực thung lũng Andarab của tỉnh Baghlan, các chỉ huy địa phương cho biết.

Người dân tại đây cho biết trước đó họ chấp nhận Taliban lên nắm quyền, miễn là các tay súng không vào làng và nhà của họ, theo ông Shuja.

Vì thế, khi Taliban xuất hiện để khám xét, các cựu binh chính phủ cùng với người dân đã vùng lên. Họ đánh đuổi được lực lượng Taliban trong chưa đầy một ngày.

“Taliban không nghe lời chúng tôi”, ông Shuja cho biết. “Họ đến đây quấy rối mọi người. Dân làng chúng tôi rất truyền thống và đều là tín đồ Hồi giáo. Không có lý gì để Taliban đến đây giảng dạy đạo Hồi”, Shuja nói.

Ông Shuja từng bỏ vị trí chiến đấu tại tỉnh Helmand sau khi nghe tin các đơn vị khác đang đầu hàng hàng loạt, theo Washington Post.

Abdul Rahman, cựu chỉ huy nhà tù Baghlan, kể mình đã huy động hàng trăm thành viên lực lượng địa phương và đánh bật Taliban ra khỏi khu vực. Ông Rahman nói cuộc nổi dậy này khiến 30 tay súng Taliban thiệt mạng và 20 người bị bắt giữ.

Thông tin ông Rahman cung cấp chưa thể được xác thực, Washington Post cho biết.

“Tất cả người dân sống tại thung lũng này đều vùng lên chống lại Taliban. Chúng tôi không sợ chiến binh Taliban. Họ đến bao nhiêu chúng tôi đánh bấy nhiêu”, ông Rahman nói.

Lực lượng Taliban tại Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: New York Times.

Trên Twitter, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi xác nhận thông tin lực lượng địa phương tái chiếm 3 quận ở Baghlan.

“Phong trào phản kháng vẫn còn sống”, ông Mohammadi, người từng là chỉ huy chống Taliban trong giai đoạn cai trị đầu tiên của lực lượng này, cho biết.

Cũng trên Twitter, người dân Afghanistan đăng ảnh và video từ 3 quận Taliban để mất. Một số bài đăng có video những người cầm súng đang cùng ăn mừng chiến thắng.

Sự phản kháng từ nơi chưa bị Taliban kiểm soát

Cuộc nổi dậy ngày 20/8 dường như không liên quan tới lực lượng phản kháng Taliban vừa xuất hiện vào tuần này ở miền Bắc: Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan.

Tổ chức này do Ahmad Massoud, con trai cố lãnh đạo quân sự chống Taliban danh tiếng Ahmad Shah Massoud, dẫn dắt.

Vị cố lãnh đạo từng chiến đấu chống lại Taliban vào cuối thập niên 1990 từ căn cứ ở thung lũng Panjshir, cách Kabul khoảng 90 dặm về phía đông bắc. Hai ngày trước vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, ông bị thành viên Al Qaeda ám sát.

Những người ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chống lại Taliban nói chuyện trong lúc ngồi gần xe Humvee tại thành phố Bazarak, thủ phủ tỉnh Panjshir vào ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Theo Washington Post, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia có vẻ đang hậu thuẫn cựu Phó tổng thống Amrullah Saleh. Ông Saled được nhiều người tin là đang ở vùng thung lũng Panjshir, khu vực duy nhất tại Afghanistan chưa rơi vào tay Taliban.

Ngày 18/8, ông Ahmad Massoud đăng tải bài viết trên Washington Post để kêu gọi Mỹ và phương Tây hỗ trợ vũ khí, đạn dược, và vật tư. Ông Massoud cho biết “sẵn sàng theo bước cha mình bên cạnh những chiến binh mujahideen để đối đầu Taliban một lần nữa”.

Ông Massoud cho biết lực lượng của mình gồm cựu binh quân đội và biệt kích Afghanistan, cùng những người dân thường nghe theo lời kêu gọi phản kháng.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Massoud không được các lãnh đạo Afghanistan khác hưởng ứng. Nhiều người trong số này muốn hợp tác với Taliban để xây dựng chính quyền chuyển giao có tính bao trùm.

Cựu Chủ tịch ủy ban hòa giải Abdullah Abdullah, cựu Tổng thống Harmid Karzai, và một lãnh chúa quyền lực có tên Gullbuddin Hekmatyar, đã thành lập hội đồng nhằm đạt thỏa thuận với Taliban.

Taliban cho nổ tượng Abdul Ali Mazari, lãnh đạo dân quân Hồi giáo dòng Shia từng chống lại Taliban, AP đưa tin ngày 18/8. Ảnh: Twitter/Ezzatullah Mehrdad.

Ông Abdullah đang yêu cầu phía Taliban đảm bảo an ninh cho những nhà lãnh đạo không thuộc nhóm này, dừng hành động khám xét từng nhà, và ngừng tịch thu phương tiện do chính phủ cấp, phát ngôn viên của ông Abdullah nói.

Nhưng lời hứa đảm bảo an ninh của Taliban vẫn đối diện nhiều nghi ngờ, đặc biệt là khi liên quan tới cộng đồng thiểu số người Hazara của Afghanistan.

Người Hazara theo dòng Hồi giáo Shia, trong khi thành viên Taliban theo nhánh Sunni. Do hai nhánh xung đột sâu sắc, người Hazara từng bị Taliban bức hại trong những năm 1996-2000.

Theo một báo cáo, 9 người đàn ông Hazara bị Taliban tra tấn và sát hại vào tháng 7, sau khi lực lượng này chiếm được lãnh thổ tại tỉnh Ghazni.

Báo cáo này được đưa ra ngay sau khi Taliban cam kết đảm bảo an ninh trong ngày Ashura - ngày lễ lớn của tín đồ Hồi giáo nhánh Shia nhưng lại bị cho là báng bổ trong mắt tín đồ nhánh Sunni.

“Tôi không thể tin Taliban đã thay đổi”, Habibullah, một người Hazara 33 tuổi, nói với Washington Post. “Chiến binh Taliban hành xử đúng với những gì họ được đào tạo. Và với họ, người Hazara là lũ ngoại đạo”.


Quốc Đạt 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn