Đừng nhân danh đạo đức làm “quan tòa” bôi tro trát trấu thêm cô giáo và nam sinh

Thời gian gần đây, báo chí và mạng xã hội đã và đang rầm rộ đưa tin, phân tích và bình luận về vụ thầy giáo dâm ô 13 nữ sinh ở Bắc Giang và cô giáo Bình Thuận vào khách sạn cùng nam sinh học lớp 10. Dư luận tỏ rõ sự bức xức của mình đối với những thầy cô gây ra tội lỗi, tuy nhiên trong đó có nhiều kẻ cơ hội được nước lấn tới đổ lỗi cho ngành giáo dục. Liệu hành động này có đạo đức hay không?
Lạm dụng tình dục là hành vi phạm tội, với trẻ vị thành niên là tội ác. Thầy giáo, cô giáo mà lạm dụng tình dục với học trò thì còn hơn cả tội ác. Nó trái với luân thường đạo lý, chưa kể còn bao nhiêu tuổi thơ bị cướp đoạt, bao nhiêu tâm hồn non nớt bị đày đoạ, bao nhiêu trái tim người lớn phải đau lòng; thế nên không thể dung túng những hành vi tiêu cực này trong xã hội văn minh hiện nay. Nếu ở Mỹ, đây được xem là tội đại hình và sẽ bị xử phạt nặng. Trước đây, diễn viên Minh Béo cũng từng bị tòa án Mỹ kết tội ấu dâm với 18 tháng tù và cho phép tại ngoại khi đã đóng phạt 1 triệu USD. Phải chăng nước ta cũng cần có hình phạt nặng đối với tội dâm ô trẻ em như vậy?
Cô giáo ở Bình Thuận vào khách sạn với nam sinh đã bị đình chỉ công tác giảng dạy, chờ kết luận từ cơ quan chức năng. (hình minh họa)

Có điều cũng cần xem lại cách cư xử của cộng đồng mạng và báo chí đối với những người trong cuộc. Đặc biệt là ở vụ cô giáo vào khách sạn với nam sinh học lớp 10. Như thể kiếm được miếng mồi béo bở, các tay bút lao nhau vào xâu xé từng chi tiết nhỏ nhất. Báo chí liên tục đưa tin, phân tích, đưa lên mạng xã hội tất tần tật thông tin cá nhân của cả cô giáo lẫn em học sinh, từ gia đình, gia thế đến trang cá nhân. Để rồi cộng đồng mạng chia sẻ với nhau những bức ảnh, sau đó cười chế giễu và hả hê bàn tán cô ta. Tôi chợt nghĩ có ai đặt bản thân mình vào gia đình và cả những người trong cuộc hay chưa? Không phải chỉ riêng vụ việc lần này mà còn rất nhiều vụ việc khác cũng vậy. Tại sao con người sống tệ với nhau như vậy? Hay ho gì mấy chuyện trái đạo đức và bẽ bàng như thế mà còn chia sẻ? Sự việc chưa đủ xấu hay sao phải bôi tro trát trấu thêm?
Khi mọi người cười cợt, chửi bới về sự việc này thì mình thấy buồn cho số phận của những người trong cuộc, đồng thời cũng xót xa với sự xuống cấp của báo chí nước nhà khi những nghiệp vụ cơ bản ngành này lại bị chính họ xem nhẹ. Còn đâu đạo đức nhà báo? Liệu giật tít và câu view có phải là kim chỉ nang cho nhiều nhà báo nước ta hiện tại ?
Kể từ hôm nay, một đứa trẻ sẽ đi tiếp trên đường đời với hàng ngàn cặp mắt dèm pha, cợt nhã về câu chuyện của mẹ nó và một cặp vợ chồng già sẽ bị xã hội chì chiết về đạo đức người con gái của họ hay một gia đình khác trở thành trò cười của làng xóm khi con của họ làm trái luân thường đạo lý. Tin rằng sẽ còn nhiều, rất nhiều người lãnh hệ luỵ từ câu chuyện này.
Theo luật pháp thì cô giáo vi phạm Luật hôn nhân và gia đình là cái rõ ràng, còn mấy tội gì khác thì phải xem nam sinh và kể cả cô giáo khai thế nào đã. Nếu như học sinh lớp 10 này đủ 16 tuổi dù chỉ 1 ngày thì cũng không bị truy tố theo tội danh tội giao cấu với trẻ em, theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Còn về mặt đạo đức thì cô đã sai trầm trọng, làm mất đi tư cách của một nhà giáo và điều đáng buồn hơn là câu chuyện này được chia sẻ mạnh mẽ trước ngày quốc tế phụ nữ 8/3.
Đáng trách nữa là những kẻ miệng lưỡi chua ngoa, cố tình lợi dụng sự việc để trách móc ngành giáo dục vì mục đích cá nhân của mình. Phải chăng chúng đang muốn lôi kéo dư luận “tấn công” ngành giáo dục? Khi những sự việc tiêu cực trên xảy ra, đúng là ngành giáo dục phải đứng ra chịu trách nhiệm nhưng xin đừng lấy dăm ba thầy cô giáo suy thoái đạo đức để đánh giá tất cả hơn mấy ngàn giáo viên hiện nay. Bản thân họ không giữ được mình, tự biến chất, dục vọng cao hơn nhân cách và không biết nào bộc lộ. Các ông bà cứ đổ lỗi hết cho ngành giáo dục nhưng làm sao có thể ngăn chặn tất cả sự bộc phát cảm tính này. Mặc dù, không có quyền tuyển dụng hay bãi bỏ cán bộ, viên chức hay thầy cô giáo cho bất kỳ cơ sở trường học, phòng, sở nhưng ngành giáo dục vẫn cố gắng làm mọi thứ, kiên quyết xử lý để trả lại sự công bằng cho những học sinh chịu tổn thương, mang đến môi trường giáo dục trong sạch và an toàn hơn. Và cũng không ít lần thấy các trường học mời lực lượng chức năng hỗ trợ công tác giáo dục tâm sinh lý, hành động chống bạo lực học đường, chống lạm dụng tình dục học đường. Những điều này cũng đáng được ghi nhận đấy chứ?
Qua sự việc lần này, không chỉ riêng ngành giáo dục xem xét, tìm giải pháp khắc phục và ngăn chặn tình trạng tái diện mà ngay cả các cơ quan báo chí, cộng đồng mạng cũng cần hành động văn minh hơn. Xin đừng nhân danh người sống đạo đức để làm “quan tòa” xét xử chẳng ra gì.
Bạn đọc Hữu Thắng


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn