Hà Nội mở rộng: 10 năm giải mối hoài nghi “cuộc hôn nhân cưỡng ép"


“Sau 10 năm sáp nhập, hai yếu tố thành công rất lớn của Hà Nội đó là, sự thống nhất về mặt con người, tổ chức, cán bộ và thống nhất về mặt thể chế, cơ chế. Hai thành công rất lớn này tạo tiền đề cho những thành công khác…”

10 năm trước,  tháng 5/2008, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12 đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội với tỷ lệ đồng thuận gần 93%. Lựa chọn phương án Hà Nội sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.350 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 7,7 triệu người.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đánh giá, 10 năm sáp nhập Hà Nội đã xóa bỏ hoài nghi chỉ là “cuộc hôn nhân” mang tính cưỡng ép…  
Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH (Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đánh giá:
“Khi sáp nhập Hà Tây về thì bộ máy bị gộp lại, con người dư dôi, nhiều người đang ở vị trí trưởng có thể phải xuống vị trí phó, có người có cơ hội  tăng lên vị trí mới thì gần như mất đi cơ hội đó. Điều này tạo tâm tư rất lớn cho đội ngũ cán bộ, thường ở nhiều địa phương thì tâm tư này không còn là vấn đề cá nhân mà còn mang tính địa phương. Nhưng Hà Nội và Hà Tây không còn ranh giới đó về mặt con người, cán bộ mà nó được hòa nhập vào trong cả bộ máy.Có lẽ chúng ta nhìn thấy việc hòa nhập này là điều hiếm có ở các địa phương khác khi sáp nhập”, ông Cường đánh giá.
Vấn đề thứ hai được PGS.TS Hoàng Văn Cường nhắc đến, đó là Hà Nội đã hòa nhập được thể chế kinh tế và quản lý.
Hà Nội là vùng Thủ đô trung tâm phát triển, còn Hà Tây là vùng được hưởng nhiều cơ chế của tỉnh miền núi nên cơ chế cho hai vùng này trước khi sáp nhập rất khác nhau, nhưng sau khi sáp nhập đến nay cơ chế này đã được hòa đồng thành một. Song, đáng nói sự hòa đồng này không làm ảnh hưởng đến phần Hà Nội cũ mà đặc biệt lại tạo cơ hội lớn cho sự phát triển của vùng Hà Nội mới nhập vào.
Cũng theo ông Cường, thời điểm năm 2008 và những năm gần đó, tư tưởng của rất nhiều người băn khoăn liệu rằng có hòa nhập được không bởi vì trong lịch sử Hà Nội cũng đã có lần có bộ phận tách nhập và cũng có rất nhiều người e ngại cho rằng, có lẽ đây cũng chỉ là “cuộc hôn nhân” mang tính cưỡng ép, trước sau cũng sẽ lại “trả lại tên cho em”…
Nhưng có lẽ đến thời điểm này, những hoài nghi đó bị xóa bỏ hoàn toàn, không ai nghĩ sẽ tái lập lại được một Hà Tây như cũ bởi người ta đã nhìn thấy hiện đã có một chỉnh thể gắn bó chặt chẽ. Sự gắn bó ở đây không chỉ ở con người, mà gắn bó cả thể chế kinh tế, gắn bó bằng sự phân bố hoạt động kinh tế, Hà Nội hình thành các vùng kinh tế, các vùng ngoại thành giờ đã có sự đan xen về giao lưu kinh tế, việc làm với khu trung tâm, hàng ngày người dân có thể từ các vùng ngoại thành vào trung tâm làm việc, rồi lại từ trung tâm về các vùng ngoại thành để sinh sống hoặc tận hưởng các dịch vụ, du lịch… nên khoảng cách trung tâm và ngọai thành không còn phân cách.
Ngoài ra, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, các vùng nông thôn của Hà Nội đã có bộ mặt thay đổi so với trước đây, thay đổi không chỉ đơn thuần là mang tên trở thành Hà Nội mà quan trọng đã tạo ra hệ thống thay đổi diện mạo, như hạ tầng, hoạt động kinh tế, con người … tất cả đều kết nối với đô thị. Nhiều khu đô thị mới hình thành các trung tâm phát triển mở rộng cũng là thành công của Hà Nội.
Theo báo cáo của Hà Nội mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Thủ đô đạt 7,41%/năm, trong đó GDP tính theo đầu người tăng 2,3 lần… sau 10 năm, trong bối cảnh mở rộng có nhiều vùng khó khăn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008; mức tăng trưởng trung bình đạt 7,41%/năm… ông Cường đánh giá đây là thành công lớn.
“Nhờ đó, tầm Hà Nội bây giờ khác trước rất nhiều. Hà Nội hiện nay mang hình hài, tầm Thủ đô rõ hơn, chứ không còn phạm vi một tỉnh nữa. Hà Nội quy tụ được tất cả các hoạt động: trung tâm chính trị, trung tâm khoa học kỹ thuật, khu công nghệ cao, trung tâm hoạt động công nghiệp (khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Bắc Thăng Long…) và tạo ra các vùng nông nghiệp đặc trưng (hoa, rau, cây cảnh…) hay các trung tâm du lịch….”, PGS.TS Hoàng Văn Cường  nhấn mạnh.
Diện mạo của Hà Nội đã có sự thay đổi sau 10 năm sáp nhập.
Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội vẫn chưa thực sự tạo ra được điểm nhấn vượt trội hơn cả nước; đô thị Hà Nội chưa phải là đô thị hiện đại nhất, văn minh nhất… Các vùng về du lịch, công nghiệp công nghệ cao… tiềm năng rất lớn, định hình có nhưng vẫn chưa rõ định hình phát triển. Giao thông Hà Nội chưa đồng bộ, hiện đại; văn minh trật tự đô thị Hà Nội cũng chưa mẫu mực.
Đặc biệt, Hà Nội phát triển chưa tuân thủ quy hoạch để tạo mô hình cho lộ trình phát triển hiện đại. Chẳng hạn, nhiều khu đô thị mới xây dựng lên nhưng không nằm trên tổng thể của đô thị Hà Nội định hình thế nào, khi hình thành khu đô thị thì luôn hình thành bất cập đi kèm theo, như các khu đô thị khu vực Dương Nội (Hà Đông) khi hình thành kéo theo trục đường Tố Hữu ách tắc, khu đô thị Mỹ Đình hình thành kèm theo ngập lụt… Nếu làm theo quy hoạch tổng thể thì phải đồng bộ, đô thị hiện đại kèm theo hạ tầng phải hiện đại, phải kết nối với nhau nhưng hiện phát triển rời rạc, chưa có sự kết nối với nhau.
Ngay trong trung tâm Hà Nội những dự án đầu tư cải tạo rất nhiều nhưng cũng không tạo được sự thay đổi đột phá cho Hà Nội, ví như con đường nghìn tỷ Kim Liên – Ô Chợ Dừa, chi phí nhiều tiền nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Do đó, TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, Hà Nội cần phát huy những thành quả đã đạt được, công tác cán bộ, tư tưởng, cần tạo lập các thể chế chính sách mang tính đột phá hơn.
Cần rà soát lại về quy hoạch và chiến lược phát triển Thủ đô; đánh giá lại sự phát triển Hà Nội thời gian qua để thấy được những định hướng đúng, phát hiện và khắc phục kịp thời những sự phát triển chia cắt, chưa theo định hướng quy hoạch thống nhất và đồng bộ? Đồng thời, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, theo đúng phân kỳ, khắc phục kịp thời những tồn tại trong thời gian qua khi nhiều chỗ quy hoạch tốt nhưng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện làm phá vỡ quy hoạch, không tạo ra kết nối phát triển.
Cũng theo ông, Hà Nội cần mạnh dạn thực hiện cơ chế đột phá bởi Hà Nội đã có Luật Thủ đô, nếu luật này chưa đủ để đột phá cần đánh giá, tổng kết và tiếp tục đề xuất, điều chỉnh sửa đổi.
Cần có một có chế chính sách đột phá trong phát triển đô thị, cải tạo tổng thể để biến những khu chung cư cũ là những vùng có tiềm năng phát triển rất lớn thành  những trung tâm đô thị mới thực sự hiện đại, văn minh phát triển hệ thống hạ tầng công cộng, giao thông, công trình phúc lợi hiện đại và đồng bộ như các trung tâm đô thị của các nước tiên tiến.… cần thay đổi tư duy phát đô thị hiện đại ở các đô thị trung tâm phải khai thác tối đa hiệu quả phát triển không gian cao, hạn chế phát triển bề rộng.
Phải quy hoạch, đầu tư phát triển các vùng đặc trưng kinh tế của Hà Nội, chẳng hạn: vùng lõi là trung tâm chính trị -  văn hóa, khoa học và các giá trị bảo tồn lịch sử; phát triển các trung tâm công nghệ cao và công nghiệp mũi nhọn; phát triển các vùng sản phẩm nông sản đặc trung như vùng trồng hoa tập trung theo hướng  đô thị hóa, nông nghiệp đô thị công nghệ cao; phát triển khai thác các tiềm năng du lịch thành các quần thể, chuỗi du lịch kết nối hiện đại … và phải phát triển hạ tầng kết nối liên vùng.
Cuối cùng, TS. Hoàng Văn Cường đặc biệt nhấn mạnh, Hà Nội phải biết lựa chọn ưu tiên đầu tư, đừng dùng ngân sách quá tiêu tốn vào đầu tư vụn vặt, chắp vá cho cải tạo vỉa hè, đường phố ở trung tâm đô thị mà phải biết đâu là khâu đầu tư đột phá, đầu tư tổng thể để tạo lập các trung tâm đô thị mới hiện đại.
Sau 10 năm sáp nhập, hai yếu tố thành công rất lớn của Hà Nội đó là, sự thống nhất về mặt con người, tổ chức, cán bộ và thống nhất về mặt thể chế, cơ chế. Hai thành công rất lớn này tạo tiền đề cho những thành công khác. Đây là thành công mà nhiều địa phương khác sau 10 năm khó có thể tạo ra được chỉnh thể thống nhất như Hà Nội.








Nguyễn Lê

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Muốn

Chuyện lạ như thật?