Hà Nội không hài lòng với “The Vietnam War”?


Hình ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ tìm kiếm trong khu làng nghi ngờ có Việt Cộng gần Đà Nẵng trong cuộc chiến tại Việt Nam năm 1965.
Hình ảnh lính thủy đánh bộ Mỹ tìm kiếm trong khu làng nghi ngờ có Việt Cộng gần Đà Nẵng trong cuộc chiến tại Việt Nam năm 1965.
Mặc dù “The Vietnam War”, bộ phim tài liệu gây tranh cãi về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, không bị cấm chiếu ở Việt Nam nhưng giới lãnh đạo ở Hà Nội tỏ ra không hài lòng về những gì được giới thiệu trong bộ phim mới được trình chiếu trên kênh truyền hình PBS.
“Những nhân vật có thế lực trong chính phủ Hà Nội vô cùng không hài lòng về loạt phim tài liệu này,” Jeff Stein tiết lộ trong một bài báo của tuần san Newsweek trong tháng này về bộ phim tài liệu công phu đã mất đến 10 năm mới hoàn tất.

“Hà Nội sẽ không muốn phổ biến bộ phim này” mặc dù bộ phim đã “quy gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao chiến binh của miền Bắc và có lúc, tỏ thái độ xem thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa.”
Hai nguồn tin độc lập tiết lộ cho Newsweek rằng những “nhân vật thế lực” bực tức đến độ đã “sa thải một số quan chức phụ trách báo chí tại Bộ Ngoại giao, những người đã giúp đoàn làm phim tổ chức các cuộc phỏng vấn.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu của VOA xin bình luận về thông tin này.
Trong phim, hàng trăm người từ nhiều bên tham gia cuộc chiến đã được phỏng vấn, kể cả nhiều binh sĩ và chỉ huy quân đội miền Bắc từng trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Đạo diễn Ken Burns tại một buổi giới thiệu về bộ phim "The Vietnam War" tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California, hôm 30/7.
Đạo diễn Ken Burns tại một buổi giới thiệu về bộ phim "The Vietnam War" tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California, hôm 30/7.
Mặc dù được nhiều người đánh giá là tương đối cân bằng khi tìm cách đưa ra sự thật theo quan điểm của nhiều phía, nhưng bộ phim vẫn gây phản ứng trái chiều từ Hà Nội, vì nhiều lý do. Bộ phim đề cập đến vụ thảm sát ở Huế vào Tết Mậu Thân 1968, khi quân đội miền Bắc giết hại nhiều thường dân miền Nam cũng như nhắc tới vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và chuyện các lãnh đạo cấp cao trong Đảng đã tìm cách đưa con cái ra nước ngoài học để tránh nghĩa vụ quân sự.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Hà nội luôn tìm cách bảo vệ tính chính nghĩa của cuộc chiến, theo một chuyên gia về Việt Nam, Ben Wilkinson. Giám đốc Trường đại học Fulbright ở thành phố HCM nói với Newsweek: “Hà Nội luôn vinh danh “chiến thắng vĩ đại” và sự hy sinh của các chiến sĩ và không bao giờ đề cập đến con số thương vong thực của họ ở miền Nam.”
Hôm 21/9, truyền thông trong nước dẫn lời người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói rằng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước”.


Đạo diễn Hồng Ánh, một người lớn lên trong gia đình có nhiều người trải qua chiến tranh, nói: ​"Trong chiến tranh không có sự thật nào là duy nhất cả. Nhưng có một con số không thể nào thay đổi được đó là người Việt chết rất nhiều trong cuộc chiến này."
Hình ảnh một thường dân Việt trong "The Vietnam War" trình chiếu trên kênh truyền hình PBS. Việt Nam chỉ công bố con số thương vong của binh lính và thường dân 20 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Hình ảnh một thường dân Việt trong "The Vietnam War" trình chiếu trên kênh truyền hình PBS. Việt Nam chỉ công bố con số thương vong của binh lính và thường dân 20 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Trong phim, 2 đạo diễn cũng cho thấy quyết tâm của Hà Nội sẽ chiến đấu cho đến khi thống nhất 2 miền Nam Bắc cho dù tổn thất đến đâu.
Cho mãi tới năm 1995, 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam mới chính thức công bố con số thương vong là khoảng 2 triệu thường dân và 1.1 triệu binh lính kể cả của miền Bắc và lực lượng đồng minh ở miền Nam, được gọi là Việt Cộng, đã chết trong chiến tranh. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu, con số thực sự có lẽ còn lớn hơn nhiều.
Trong phim The Vietnam War, Tướng William Westmoreland, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968, nói hồi năm 1965: “Tỷ lệ tử vong giữa lính Mỹ và Việt Cộng là 1-10.”
Nhà báo Huy Đức, một trong những cố vấn cho đoàn làm phim và là người xuất hiện trong phim The Việt Nam War nói “Hà Nội sẽ không muốn phổ biến bộ phim này” mặc dù bộ phim đã “quy gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao chiến binh của miền Bắc và có lúc, tỏ thái độ xem thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa.”
Viết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân, nhà báo còn có tên Trương Huy San nhận định rằng bộ phim sẽ “không làm cho bên nào hài lòng” và “báo Nhà nước (Việt Nam) có thể sẽ có bài phản bác, bảo vệ ‘tính chính nghĩa’ của cuộc chiến.”
Tuy nhiên, theo dạo diễn Hồng Ánh thì mặc dù báo chí Việt Nam có đưa tin về sự ra mắt của The Vietnam War, nhưng không đi sâu phân tích về những thông tin gây tranh cãi trong bộ phim. Đạo diễn Hồng Ánh cho rằng đây là 1 dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam, dù có không hài lòng, cũng tỏ ý muốn “hòa giải”, 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
"Họ không phản ứng gay gắt. Bằng chứng là họ không chặn đường link hoặc cấm đoán bằng mọi thứ để khán giả Việt Nam không thể xem được phim này. Cho tới ngày hôm nay (29/8) mọi người vẫn xem được trọn 10 tập thì đó là điều cho thấy (Hà Nội) mong muốn khép lại quá khứ."

Diễn đàn - VOA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn