Trao đổi thư tín ngày 30.07.2016


Kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016.Courtesy quochoi.vn

Mục thư tín ghi nhận tình hình ở Việt Nam trong tuần qua được cho là “có những sự bất ngờ” theo như nhận xét của nhiều khán thính giả và độc giả gửi về Đài RFA. Với họ, “sự bất ngờ” ở đây hàm ý rằng đất nước đang trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” nhưng dường như giới chức lãnh đạo Việt Nam vẫn “bình chân như vại” với những lời phát ngôn mà dư luận cho là “ngớ ngẩn”.

Kêu gọi Hà Nội tiếp bước Manila khẳng định chủ quyền quốc gia

Trong bối cảnh Philippines thắng kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế-PCA, người dân Việt Nam kêu gọi Hà Nội hãy tiếp bước Manila để khẳng định chủ quyền quốc gia trước sự xâm hại ngày càng nghiêm trọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Vientiane, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nói rằng đừng nhìn vấn đề như việc thắng hay thua, còn hay mất và nên làm mọi thứ để thúc đẩy đàm phán và tình hữu nghị cũng như cố gắng tự kềm chế để có thể xây dựng tinh thần tích cực cho tình bạn.
Lời phát biểu này làm dấy lên sự phẫn nộ gay gắt trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Hòa Ái nhận được ý kiến của thính giả Anthony Le cho là Lại mất thêm một số đảo nữa. Cứ thêm một số lần đàm phán thì sẽ mất hết, mất một cách hợp lệ trên giấy trắng mực đen”. Thính giả Ha Tran nêu lên quan điểm Không cần đàm phán làm gì nữa. Trung Quốc không bao giờ trả Hoàng sa, Trường sa cho Việt nam đâu. Cứ đàm phán hoài mà có được gì? Phản đối, quan ngại nhiều lắm rồi mà Trung Quốc vẫn mở rộng, lấn lướt thêm đấy thôi”. Trong khi đó, thính giả Thang Long khẳng định rằng Không thể đàm phán song phương. Trung quốc sẽ mua rẻ đất đai biển đảo của tổ tiên bằng những đồng tiền vô nhân đạo. Đàm phán song phương là tự sát. Đây là vận mệnh của dân tộc, của quốc gia. Nếu sai lầm liệu một nhóm người lãnh đạo có chịu được trách nhiệm lớn lao trước dân tộc, trước đất nước hay không?”
Việc Formosa xả thải ở biển Việt Nam chấn động địa cầu vậy mà Quốc Hội cho là chuyện nhỏ không đề cập đến.
-Một thính giả
Thưa quý thính giả, về tình hình quốc nội, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục gây bão dư luận khi truyền thông trong nước loan tin liên tục phát hiện tập đoàn này chôn hàng trăm tấn rác thải công nghiệp có chất nguy hại ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong tuần qua, nhiều thính giả liên lạc với Ban Việt Ngữ bày tỏ sự bức xúc tột độ khi câu hỏi của dân chúng “Ai chịu trách nhiệm trong vấn đề Formosa” gửi đến Quốc Hội Khóa 14 thì tuyên bố của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng nguyên Bí thư Tĩnh ủy Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự chịu trách nhiệm trả lời cho câu hỏi này. Còn ông Võ Kim Cự dõng dạc khẳng định quy trình cấp phép hoạt động 70 năm cho Formosa đúng với quy định pháp luật. Và hôm 27 tháng 7 truyền thông trong nước đồng lọat loan tin Quốc hội Việt Nam không có chuyên đề giám sát về thảm họa môi trường do Formosa gây ra trong chương trình năm 2017. Tiếp theo, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:
“Việc Formosa xả thải ở biển Việt Nam chấn động địa cầu vậy mà Quốc Hội cho là chuyện nhỏ không đề cập đến. Không có chuyên đề giám sát Formosa có nghĩa là để mặc cho bọn chúng muốn làm gì thì làm. Bộ Tài nguyên-Môi trường không lẽ có quyền quyết định hết. Sau này có chuyện gì Quốc Hội lại đổ lỗi hết cho Bộ Tài nguyên-Môi trường, rồi cách chức một vài người, thế là xong. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Quốc Hội ta giỏi thật, người dân chúng tôi muốn giải tán Formosa nhưng ý nguyện này không được Nhà nước của dân-do dân-vì dân xem xét.”
“Nếu là người có lòng tự trọng với đất nước thì chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải cúi đầu nhận trách nhiệm trước toàn dân Việt Nam và phải thực hiện ý muốn của người dân là đóng cửa nhà máy Formosa.”
“Từ lâu rồi tôi đã từng nghe Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên bố muốn noi gương Tập Cận Bình là điều tra, bắt nhốt những tay tham nhũng từ Trung ương cho đến địa phương. Điều này ai ai cũng đều biết hết. Vậy, ông Nguyễn Phú Trọng làm ơn thi hành những chuyện mà ông ao ước. Ông đừng để như sáo sậu chỉ biết nói chứ không có làm.”
“Cần cách chức truy tố hình sự toàn bộ các quan chức địa phương có liên quan đến môi trường tại những nơi Formosa chôn giấu rác thải. Nếu bộ máy lãnh đạo mới không kiên quyết xử lý như vậy chứng tỏ rằng quý vị vẫn không thật lòng làm việc vì dân vì nước.”

Tuyên bố “ấn tượng nhất” trong tuần

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 
14 hôm 20/7/2016.

Thưa quý vị, thính giả của đài cho rằng lời tuyên bố “ấn tượng nhất” trong tuần qua là phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, vừa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Quốc Hội. Bà Nguyễn Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”.
Hòa Ái ghi nhận qua trang Facebook RFA Việt ngữ, hàng trăm lời bình luận liên quan đến tuyên bố này của bà Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam. Sau đây là những lời nhắn gửi đến Chủ tịch Quốc Hội Khóa 14:
“Thưa bà Chủ tịch Quốc Hội, bà nói ‘mt số tổ chc, cá nhân’, vậy đó là tổ chc, cá nhân nào? Bà nói ‘hô hào thế này thế nọ’, vậy họ hô hào điều gì? Họ kích động như thế nào? H làm đúng Hiến pháp không? Tham gia đóng góp ý kiến, lên tiếng trong các vn đề chính tr-kinh tế-xã hi có được coi là ‘làm gì cho đất nước’ không, thưa bà?”
“Thưa bà Ngân, bà muốn biết chúng tôi đã và đang làm gì cho tổ quốc, chúng tôi tạm sơ lược vài điển hình cho bà hiểu nhé:
Những người lao công hăng say làm việc,
Những người nông dân lo cày cấy,
Những ngư dân sớm tối ra khơi mong kiếm tôm cá,
Những học sinh, sinh viên chăm chỉ học hành,
Những người Việt ở nước ngoài còng lưng làm kiếm tiền gởi giúp gia đình, làm từ thiện…
Chúng tôi là những thường dân, con dân Việt thấy đất nước lâm nguy phải hô hào kêu gọi những người lãnh đạo, trong đó có bà, hãy nghe tiếng nói của chúng tôi rằng chúng tôi và con cháu chúng tôi không muốn nhắm mắt vô tâm giả câm điếc để cho đất nước ta vào tay giặc láng giềng thâm độc.
Mọi người đều đã và đang làm cho Tổ quốc. Còn bà và chính phủ được đại diện lo cho dân cho nước thì nên xem xét lại, thưa bà.”
Thưa bà Ngân, nhà nước đã làm gì được cho dân chúng Việt Nam khi ngư dân bị Trung Quốc bắn giết ở Biển Đông; kinh tế bị phá hoại bởi các tập đoàn của Trung Quốc và bọn quan tham nhũng khiến nhà nước thất thoát hàng ngàn tỉ; dân chúng đói khổ, trẻ em vùng núi đi học phải đu dây, bơi trong nước lũ để đến trường trong khi đồng ý cho quan tham xây đựng tượng đài nghìn tỉ rất vô lý; luật pháp bất công trẻ vị thành niên đói quá phải giựt cắp ổ bánh mì mà đáng kết tội hình sự trong khi quan tham rút rỉa tiền xây dựng đường ống cấp nước cho dân bị vỡ mấy chục lần mà vẫn vô tội…Biết bao nhiêu chuyện quan tham làm gây bức xúc cho dân mà ai ai cũng biết, đó là những gì lãnh đạo nhà nước tự hào đã làm được cho nhân dân sao, thưa bà?”
Bà nói ‘hô hào thế này thế nọ’, vậy họ hô hào điều gì? Họ kích động như thế nào? Họ làm đúng Hiến pháp không? Tham gia đóng góp ý kiến, lên tiếng trong các vấn đề chính trị-kinh tế-xã hội có được coi là ‘làm gì cho đất nước’ không, thưa bà?
-Một thính giả
“Thưa bà Ngân, khi đất nước lâm nguy bà kêu gọi ai ngoài dân; khi đóng thuế ai ngoài dân? Tôi là một công dân Việt Nam không làm được gì ngoài kêu gọi ủng hộ hòa bình cho đất nước tôi. Bà nói chúng tôi đã làm được gì cho đất nước? Vậy nếu bà làm được ba điều kiện sau thì chúng tôi xin thề sẽ im lặng không lên tiếng thêm. Ba điều kiện đó là bà hãy lọc sách bộ máy nhà nước chấm dứt tham nhũng; bà làm yên lòng dân bằng cách đuổi Fomosa và lấy lại tất cả các khu đất đã bán cho Trung Quốc; bà đàn phán hòa bình với Trung Quốc để Bắc Kinh không ngang nhiên nói Hoàng Sa-Trường Sa và cả đường lưỡi bò là của Trung Quốc.
Chỉ ba việc đó bà đích thân chỉ đạo và làm được thì chúng tôi sẽ im như thóc và kính phục bà.”
“Bà Ngân phát biểu như vậy thì đó là phát biểu vô ý thức, vô trách nhiệm và không đúng với cương vị của một Chủ tịch Quốc Hội. Nhiệm vụ của một đại biểu Quốc Hội và của bà Ngân trong tư cách Chủ tịch Quốc Hội là phải lắng nghe ý kiến của người dân. Người dân không nhất thiết là phái đóng góp được điều gì đó thì mới có quyền hô hào hay góp ý về các vấn đề xã hội, bởi vì việc góp ý là quyền của họ mà không có điều kiện là cần phải đóng góp được cái gì hay chưa cho đất nước.”
“Bà Ngân ơi, nếu không nói được điều tử tế thì tốt nhất bà nên im lặng nhé bà Ngân! Những người con dân đất Việt ơi, hãy vì sự sinh tồn của nòi giống Lạc Hồng hãy đoàn kết cùng lên tiếng và cùng hành động cho tương lai một đất nước độc lập-tự do-dân chủ.”
Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái xin được trả lời tin nhắn sau:
“Khi nào anh chị nhận được cuộc gọi này của em thì gọi lại cho em số máy này nhé. Em tên Tiến.”
Quý thính giả quý mến, Ban Việt ngữ nhận được rất nhiều tin nhắn qua hộp thư thoại giống như tin nhắn vừa rồi. Vì đây là hộp thư thoại nên quý vui lòng nói rõ số điện thoại nào thuận tiện nhất để chúng tôi liên lạc lại cùng quý vị. Trong thời gian qua, nhiều tin nhắn trong hộp thư thoại không hiển thị số điện thoại của người gọi nên chúng tôi không thể gọi lại được và có những số điện thoại quý vị nhắn lại nhưng chúng tôi không thể liên lạc được với quý vị qua những số điện thoại đó. Hòa Ái xin được nhắc lại, quý thính giả liên lạc qua hộp thư thoại tại số (202)530-7775, quý vị có thể nhắn lại thông tin muốn chia sẻ qua giọng nói hoặc nhắn lại tên và số điện thoại của quý vị để Ban Việt ngữ gọi lại cho quý vị. Ngoài ra, quý thính giả cũng có thể liên lạc qua email tại địa chỉvietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org.
Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Cảm ơn thời gian theo dõi của quý vị cùng Hòa Ái. Kính chúc quý vị 1 ngày mới an lành. Hòa Ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.
Hòa Ái, phóng viên RFA



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mấy ý kiến với anh Đoàn Bảo Châu

Chuyện lạ như thật?