Luật Sư Lê Công Định: Vài suy nghĩ từ góc độ pháp lý



Xem clip quay cảnh CSGT tấn công người vi phạm luật giao thông, tôi có vài suy nghĩ từ góc độ pháp lý như sau:
1. Viên CSGT lấy đà tung chân, cố ý đạp vào người của hai thanh niên đang điều khiển phương tiện giao thông, nhưng được lãnh đạo Công an Hà Nội cố tình giải thích theo hướng giảm nhẹ, rằng đó là hành động “giơ chân giống như đạp”.
Cấp trên một cơ quan chấp pháp cố tình bao che cấp dưới, dù đã đình chỉ công tác để điều tra, nhằm làm giảm nhẹ hành vi phạm luật của cấp dưới, cho thấy luật pháp trong tay công an không nghiêm minh, sự vận dụng luật tuỳ tiện, và luật chỉ áp dụng để trừng phạt người dân, thay vì phải áp dụng cho cả nhân viên công an phạm luật.
2. Về mặt pháp lý, vấn đề đặt ra là, khi cơ quan chấp pháp thực thi chức trách, họ có quyền sử dụng một biện pháp hiển nhiên phạm luật (ở đây là tấn công người vi phạm) để ngăn chặn một hành vi phạm luật khác đang diễn ra của công dân (ở đây là lái xe ngược chiều và không đội mũ bảo hiểm) hay không?
Thật ra, luật pháp các nước cho phép nhân viên chấp pháp sử dụng có giới hạn vũ lực để thực thi chức trách, nếu và chỉ nếu người vi phạm không dừng hành vi phạm luật và còn chống trả nhân viên chấp pháp bằng vũ lực. Clip quay cho thấy hai thanh niên lái xe phạm luật giao thông không có hành vi chống trả viên CSGT dù họ không dừng sự vi phạm.
3. Khi sử dụng có giới hạn vũ lực, nhân viên chấp pháp phải tiên liệu hậu quả của biện pháp sử dụng, đặc biệt cần tránh gây thương tích hoặc làm thiệt mạng không cần thiết người có hành động chống trả.
Đạp vào người của hai thanh niên đang điều khiển xe tốc độ cao ngay cạnh dải phân cách chắc chắn có thể dẫn đến thương tích lớn và thậm chí thiệt mạng cả hai người phạm luật đó. Mặt khác, liệu hành vi lái xe ngược chiều và không đội mũ bảo hiểm có đáng bị đả thương hoặc giết chết hay không? Dù viên CSGT không cố ý gây thiệt mạng đối tượng phạm luật, nhưng anh ta phải tiên liệu hậu quả của biện pháp vũ lực mà mình sử dụng.
4) Nếu hai người phạm luật bị tấn công đến mức chịu thương tích hoặc thiệt mạng, viên CSGT chắc chắn không chỉ có lỗi công vụ xét theo khía cạnh hành chính đơn thuần, mà còn phải chịu cả trách nhiệm hình sự tuỳ vào mức độ thương tích mà mình gây ra.
Việc xử lý nội bộ dứt khoát không thể áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng này. Chấp pháp là một cơ chế tự động khi luật pháp bị vi phạm dù người phạm pháp là dân hay là quan.
Lê Công Định - lecongdinh's facebook

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn