Việt - Mỹ đã tin tưởng nhau thực sự?


Lòng tin chiến lược Việt - Mỹ đã được củng cố và phát triển ở mức tốt, mức cao, theo khách mời Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ.

Lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã 'được củng cố' và 'phát triển ở mức tốt' sau hơn hai chục năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, theo ý kiến của khách mời tại tọa đàm trực tuyến của BBC về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Việt Nam ngày nay không còn coi Hoa Kỳ là 'đối tượng, kẻ thù' mà trái lại, là 'người bạn quan trọng nhất' trong hợp tác, phát triển và Tổng thống Obama được hoan nghênh rất cao trong lần tới thăm Việt Nam vào tháng Năm này của ông, vẫn theo khách mời tại tọa đàm.
Trước hết, trao đổi với Bàn tròn thứ Năm hôm 19/5/2016 của BBC Việt ngữ về niềm tin giữa hai nước, Phó Giáo sư Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong nói:
"Từ trước đến nay vấn đề trung tâm từ phía Việt Nam là Mỹ có hay không tôn trọng sự chính đáng của cái có thể gọi là nhà nước, hoặc chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng duy nhất và chính đáng đang thống trị nước Việt Nam. Đó là cái mà phía Việt Nam muốn biết chắc chắn Mỹ có tôn trọng thực sự điều đó hay không, mà có vẻ đến nay thì đó không phải là một điểm phải lo lắng nữa...


"Tôi là một người hay phê bình chính sách ngoại giao của Mỹ và ngày xưa cũng phức tạp hơn nữa, nhưng tôi phải nói là tôi đang khá là ấn tượng là lập trường của Mỹ đối với Việt Nam đã hết sức đồng đều. Từ trước tới nay, đối với vấn đề nhân quyền, Mỹ đã đòi hỏi nhiều hơn với Việt Nam so với Trung Quốc, điều đó có lẽ làm cho một số người ở Việt Nam bất bình, nhưng mà tôi phải nói là vui mừng, bởi vì tôi nghĩ đến nay Việt Nam chỉ cần có một số bước mà nó có thể thay đổi hoàn toàn và cực nhanh chất lượng của quan hệ."
Và nhà nghiên cứu xã hội học, chính trị đưa ra ví dụ:
"Chẳng hạn vừa rồi vấn đề cá chết, đã có một số vấn đề về thông tin ở Việt Nam, thì nếu ở Việt Nam có cho phép một xã hội chính trị đa nguyên hơn một chút? Tôi không nói về vấn đề về khuôn khổ chính trị, đó là người dân có được điều kiện để thảo luận về những vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ nó không chỉ sẽ giúp chất lượng của chính trị ở Việt Nam, mà nó sẽ ảnh hưởng rất mạnh và nhanh quan hệ không chỉ với Mỹ mà với các nước khác và nó cũng sẽ góp phần củng cố vị trí chiến lược từ thương mại cho đến an ninh quốc phòng của Việt Nam.
"Và vì thế, dù Mỹ cũng là một nước rất phức tạp đối với vấn đề chính sách ngoại giao, chẳng hạn vấn đề khủng hoảng và sai lầm ở Irak, hoặc là những việc ngày xưa, nhưng riêng việc từ từ cố gắng khuyến khích Việt Nam để có những bước nhất định quan hệ là đúng.
"Và hy vọng là trong thời gian tới, cả hai bên có thể tìm một cách nào đó để cho Việt Nam thực hiện những bước nhất định nào đó và một lần nữa nhấn mạnh vấn đề không phải là phải thay đổi hết, nó không phải là vai trò của các nước ở ngoài, vấn đề là khuyến khích Việt Nam để thấy là một nước đa nguyên có đủ không gian cho người dân để bàn, thao luận về những vấn đề cốt lõi, nó có thể là một thế mạnh của xã hội Việt Nam, và quan hệ của hai nước sẽ tiến bộ rất nhiều,.
"Như thế, tôi hy vọng rằng dù có căng thẳng một chút, nhưng dần dần vấn đề này sẽ được giải quyết một cách xây dựng," PGS. TS. Jonathan London nói với BBC.

Còn quan ngại nữa không?


TS Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Việt Nam ngày nay không còn coi Mỹ là đối tượng, kẻ thù mà thay vì đó là người bạn quan trọng nhất cho phát triển, hợp tác.


Cũng tại tọa đàm, trước câu hỏi thực chất niềm tin chiến lược giữa hai nước tới đâu, liệu Việt Nam có còn nghi ngại Hoa Kỳ nữa hay không, nhà nghiên cứu TS.Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) từ Hà Nội, trả lời:
"Lòng tin và đã được củng cố và phát triển ở mức tốt. Trong dư luận xã hội Việt Nam bây giờ người ta không còn coi Mỹ là đối tượng, hay là mối nguy hiểm, mà người ta hướng đến Mỹ như một nhân tố tích cực.
"Một đối tác rất quan trọng giúp cho Việt Nam và hợp tác với Việt Nam trong quá trình phát triển lành mạnh về phía trước, kể cả vấn đề dân chủ, nhân quyền.


"Tôi nghĩ dân chủ, nhân quyền là một bộ phận của xã hội hiện đại, những giá trị này cũng không mâu thuẫn gì với những đức tin và những nỗ lực của người Việt Nam chúng tôi cố gắng phấn đấu.
"Theo tôi, nguyên việc mà Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương), mà trong đó thỏa thuận những nội dung, nhiều vấn đề liên quan đến con người, liên quan đến người lao động, liên quan đến môi trường, thì đó là một bước tiến lớn.
"Nhiều vị khách đến thăm Trung tâm của chúng tôi đều hỏi là làm như thế có ảnh hưởng gì đến vai trò của Đảng Cộng sản không, chuyện đó có ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa hai nước không?
"Theo tôi, hiện nay trong dư luận, người ta nói người ta xem Mỹ là bạn, tất nhiên Việt Nam bây giờ cố gắng làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với ai, nhưng mà trong các nước lớn, Mỹ được xem là một trong những người bạn quan trọng nhất.
"Và lòng tin chiến lược theo tôi đã được xây dựng, củng cố và cái này không phải là 'một phát ăn ngay', mà nó còn cần thời gian phát triển, nhưng thời điểm này rất tốt.
"Ông Obama sang, các Tổng thống Mỹ sang đều được hoan nghênh, nhưng onog Obama lần này sang được chờ đón rất là nồng nhiệt," Tiến sỹ, cựu Đại sứ Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường nói với Bàn tròn thứ Năm.
BBC Việt ngữ sẽ tiếp tục giới thiệu ý kiến của các khách mời trao đổi tại cuộc Tọa đàm, mới quý vị đón theo dõi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn