37 năm ngày Tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược


Ngày 5/3/1979, trong tình thế cấp bách chống lại hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới.


Xem chi tiết đồ họa chiến sự năm 1979.

Mối quan hệ Việt - Trung rạn nứt năm 1968 khi Việt Nam giao hảo với cả Liên Xô và Trung Quốc, trong khi quan hệ Xô - Trung đang căng thẳng. Chiến thắng mùa xuân 1975 theo đánh giá của nhiều nhà sử học thế giới là kết quả Trung Quốc không mong muốn, khi Bắc Kinh và Washington đạt được một số thỏa thuận sau chuyến thăm của Tổng thống Nixon.
Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường và đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Tháng 11/1978, Hiệp ước hữu nghị Việt - Xô được ký chính thức xác nhận Việt Nam đứng về phía Liên Xô.
Gần 2 tháng sau, quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ. Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.
"Phải dạy cho Việt Nam một bài học", Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố.
Cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra giữa lúc các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Dọc tuyến biên giới chỉ có lực lượng chủ lực của các quân khu, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc khoảng 50.000 quân. Trong khi Trung Quốc ước tính 600.000 với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn. Có nơi, quân Trung Quốc thọc sâu vào đất liền đến hơn 40 km.
Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định điều động các sư đoàn bộ binh của các quân khu từ tuyến sau lên. Quân dân 6 tỉnh biên giới chủ động tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ, cầm chân và đẩy lùi từng đợt tiến côngcủa quân Trung Quốc trong khi chờ quân chủ lực lên ứng chiến. Cùng thời điểm, một cuộc chuyển quân thần tốc lên biên giới phía Bắc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam diễn ra bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không. Liên Xô tương trợ cho Việt Nam bằng cách lập cầu hàng không lớn cơ động các đơn vị tại mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc.
"Toàn thể già, trẻ, gái, trai đứng lên nhất tề bảo vệ tổ quốc'
Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc. 
Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Lệnh tổng động viên được đăng trên báo Nhân dân ngày 6/3/1979. Ảnh: Hoàng Phương.

Ngay sau lời kêu gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trường Chinh. Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ. Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bài xã luận trên báo Nhân dân ra ngày 5/3/1979 nêu rõ "Lời kêu gọi của trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang đi vào cuộc chiến đấu mới: cả nước đánh giặc, toàn dân là lính"… 50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. 
Lệnh tổng động viên được ban bố, cũng trong ngày 5/3/1979 Trung Quốc bất  ngờ tuyên bố rút quân, và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Ngày 7/3/1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân.
Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.
Chiến sĩ Hà Ngọc Thơ (đoàn H45 Hoàng Liên Sơn) bị thương khi cùng đồng đội tiêu diệt quân Trung Quốc xâm lược. Ảnh tư liệu: Hoàng Như Thính.

Lệnh tổng động viên duy nhất từ 1975 cho đến nay
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308 nhớ lại, thời điểm ra lệnh tổng động viên, ông đang công tác ở Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng). Nghe lệnh, cả Hà Nội sục sôi bởi "không người dân nào có thể khoanh tay khi đất nước lâm nguy". "Trước khi quân Trung Quốc đánh sang, chúng tôi đã được huy động đi đào chiến hào trên các ngọn đồi, khu vực Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Phòng tuyến ấy được kéo dài đến tận các tỉnh biên giới phía Bắc. Tức là, chúng ta đã có sự chủ động phòng thủ", ông kể.
Từ khắp các công, nông trường, xí nghiệp, thôn xóm có hàng nghìn lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong phòng truyền thống của Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ngày nay vẫn còn lá đơn viết bằng máu của thầy giáo Nguyễn Chiều, khi đó là giáo viên khoa Sử, Đại học Tổng hợp với quyết tâm: "Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ tổ quốc".
Ông Hà phân tích, thời điểm tổng động viên, Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng để bước vào một cuộc kháng chiến. Tính từ năm 1975 đến nay, đó là lệnh tổng động viên duy nhất được ban hành. Trước đó năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ký Sắc lệnh Tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để phục vụ cho nhu cầu kháng chiến chống Pháp đang đến giai đoạn tổng phản công. Trong kháng chiến chống Mỹ, lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước năm 1966 của Hồ Chủ tịch và những đợt huy động lực lượng dồn sức cho chiến trường miền Nam vào các năm 1972, 1974 chưa được gọi là tổng động viên.
"Từ khi lệnh tổng động viên được ban bố đến khi quán triệt đến toàn quân, toàn dân thì phải cần một quãng thời gian nhất định. Lệnh mới được ban ra, Trung Quốc rút quân nên lệnh tổng động viên chưa kịp thực hiện. Dù chúng ta không mong muốn, nhưng nếu quân Trung Quốc còn ở lại thì chắc chắn lệnh tổng động viên sẽ được thực hiện rất nhanh", ông đánh giá.
Cuộc chiến biên giới phía Bắc chính thức diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 5/3/1979 nhưng xung đột biên giới kéo dài dai dẳng đến tận năm 1988. Sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc vẫn duy trì thường xuyên nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam gây căng thẳng nhằm lấn chiếm lãnh thổ. Có thời điểm 1984-1986, chiến sự diễn ra ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) khi quân đội Việt Nam tổ chức phản công giành lại các điểm cao biên giới bị quân Trung Quốc lấn chiếm trái phép.
Nhiều đợt nhập ngũ vẫn diễn ra, các đơn vị chủ lực của quân đội Việt Nam thay phiên nhau đưa quân lên bổ sung cho chiến trường phía Bắc. Hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam lứa tuổi 18-20 đã mãi mãi nằm lại nơi biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống lại quân Trung Quốc xâm lược.
Tháng 11/1991 Việt Nam - Trung Quốc tuyên bố bình thường hoá quan hệ.
Hoàng Phương





Nhận xét

Hợp's Blog đã nói…
Lúc đó tôi cũng làm đơn xin nhập ngũ và được lên đường bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Giờ đọc lại lời kêu gọi của Bác Tôn tôi vẫn cảm thấy lưng lưng..!
Trên con tàu ra đảo tôi có vần thơ kỷ niệm:
Theo con tàu vượt sóng ra đi
Tàu rẽ sóng làm tung bọt trắng
Đi đến ước mơ, mà tôi tưởng trong mơ
Tôi mơ ước về đây với đảo
Đặt chân lên dãi đảo san hô
Chân ba lô vai vác súng,
Mà tưởng chừng như bay bỗng trong mây...
Hợp's Blog đã nói…
Toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới.
Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương.
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương...".
Hợp's Blog đã nói…
Xin đừng lãng quên cuộc chiến này
Là người dân Việt sống hôm nay
Ngày xưa, mai sau và mãi mãi
Hợp's Blog đã nói…
Phải nhanh chóng đưa vào sách giáo khoa ngay,hãy thắp lên ngọn lửa tự hào và lòng biết ơn của thế hệ trẻ với những anh hùng đã ngã xuống
Hợp's Blog đã nói…
Cha anh chiến đấu quá kiên cường
Đánh đuổi xâm lăng vững biên cương
Ngàn sau thơm tiếng lưu danh mãi
Xứng đáng thơm hương máu Lạc Hồng!
Hợp's Blog đã nói…
ĐẤT NƯỚC.

Tôi đi
Từ Mũi cà mau
Tới ải Nam quan
Xương trắng máu đào
cựa dưới chân
Và những lời thân thiết
Gió mang lên từ những cánh đồng
Luỹ tre gầy
Câu ca dao nối hai ngả âm dương
Và những lời thổn thức
Mái đình già dưới ánh trăng trong.
Đất nước!
Sóng Hát giang nghẹn ngào khúc hát
Thù nhà nợ nước chưa xong
Voi trận còn vang tiếng thét căm hờn.
Đất nước!
Bao phen buông cày cuốc
Giáo gươm chân đất lên đường
Non sông này nhịp đập trái tim!
Đất nước!
Cây trên rừng chờ kẻ thù dưới sông
Sóng Bạch đằng chôn vùi mộng vương bá.
Trí non sông tụ hội Diên Hồng
Sắt thép mềm trong tay tuổi trẻ!
Chặt vó ngựa xâm lăng
Đống đa, Ngọc hồi...
Thêm một lần trí hùng anh rạng rỡ!
Đất nước!
Chưa một ngày bình yên
Kẻ thù xa đã tràn trước ngõ.
Tơi bời lửa cháy quê hương
Căm hờn rèn vũ khí
Trùng điệp những đoàn quân lên đường
Nắng Xuân về sau điệp trùng gian khổ
Nhưng
Máu chưa thôi rơi
Xác người chồng lên nhau
Nghiến răng, súng đỏ nòng khạc lửa!
Mỗi tấc đất biên cương
Mỗi giòng sông máu lệ...
Những máu đã rơi
Những xương đã vỡ
Những đồng ruộng hố bom nham nhở
Những đau thương đá phải cúi đầu
Những thế hệ truyền cho nhau:
- Phải nhớ!
Đất nước!
Hoa đã nở
Dào dạt gió vui trong xóm yên bình
Nhưng mỗi bước chân
Tôi vẫn nghe
Xương trắng máu đào
Thì thầm lời nhắn nhủ...
Hợp's Blog đã nói…
Việt Nam hai tiếng thật huy hoàng
Ôn lại say sưa cuốn sử vàng
Mỗi nét hào hùng tươi mỗi nét
Từng trang sáng lại đẹp từng trang
Đã sinh từ giống nòi oanh liệt
Quyết phát huy truyền thống vẻ vang
Gian khổ thêm bền gan chiến đấu
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang
( st : Đinh Gia Dung )
Hợp's Blog đã nói…
Tự hào khi đọc bài báo này, ngày đó tôi đã cùng bạn bè nộp đơn tình nguyện nhập ngũ bảo vệ Tổ Quốc, năm 1984 mới rời quân ngũ. Tất cả những ai trực tiếp hay gián tiếp đi qua cuộc chiến đều hiểu và không bao giờ quên được những gì đã diễn ra cùng hậu quả của Chiến tranh. Buồn thay Việt Nam luôn phải tồn tại cạnh một Quốc gia có quá nhiều Tham vọng (dù cho không ít lần nếm vị đắng của sự bại trận). Hy vọng Việt Nam ta không có thêm một lần Tổng động viên nào nữa để Con Cháu chúng ta được Bình yên trong Tương lai
Hợp's Blog đã nói…
Tôi khóc khi đọc bài báo này . Tôi xúc động thay cho anh linh của những liệt sỹ đã nằm xuống trong cuộc chiến với quân Trung Quốc mà mấy chục năm qua tưởng chừng như đã bị lãng quên .Kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của các anh. Cảm ơn Vnexpress và nhà báo Hoàng Phương đã cho các anh được sống lại với chúng tôi

Bài đăng phổ biến từ blog này

Muốn

Chuyện lạ như thật?