Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ


Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ở đường Âu Dương Lân, Quận 8.

Không khác chi một đoàn hát cải lương

Tiếp tục câu chuyện với Má Báy Phùng Há. Tôi hỏi:
- Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ đầy đủ các bộ phận không khác chi một đoàn hát cải lương, sao má Bảy không sử dụng cây nhà lá vườn, thành lập đoàn hát diễn tại chỗ thu tiền giúp quỹ cho Viện, hoặc tổ chức tập luyện ca hát?
- Đã vào nhà dưỡng lão thì còn hơi hám đâu nữa mà hát, nhưng được cái là nơi tập trung những tài danh kỳ cựu của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ thuộc lớp trẻ sau này cần học hỏi các vai diễn, các nghệ sĩ lão thành mỗi người nhớ một ít, sẵn sàng hướng dẫn chỉ dạy thêm cho. Muốn biết y trang, áo mão hay công cụ diễn xuất ngày xưa thế nào thì vào đây thỉnh giáo, nếu không có viện dưỡng lão đi tìm được từng người rất khó khăn.
- Có những nghệ sĩ cải lương ra hải ngoại mà trước đó đã có mấy chục năm đi hát, khi về già quãng đời còn lại muốn về Việt Nam ở, thành phần này có được nhận vào Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu không?
- Chưa thấy trường hợp này, nhưng có những nghệ sĩ về đây nói rằng bên Mỹ được lãnh tiền già, nhiều nghệ sĩ đã lãnh tiền già tiền bệnh, mỗi tháng cả 8, 9 trăm đô la, về đầy mất tiền già họ đâu có về. Nhưng nếu có trường hợp này thì chắc cũng khó giải quyết, bởi người nào về đây cũng mang theo đô la về xài, chớ chưa thấy ai về nước mà lang thang đi ở nhờ ở đậu, thì đâu đủ điều kiện để vào Viện Dưỡng Lão.
Má Bảy Phùng Há nói thêm rằng hầu như giới cải lương người nào về nước cũng đều có đến viếng Chùa Nghệ Sĩ, thăm Má Bảy kể lại sinh hoạt cải lương, đời sống của giới nghệ sĩ ở nước ngoài, ở Mỹ, Pháp, Úc..., do đó mà ở trong nước cũng hiểu khá nhiều về hoạt động của từng người, ai có thu nhập nhiều nhờ đi sô, hoặc chỉ trông cậy vào tiền già, tiền bệnh thì ở bên nhà cũng biết. Tóm lại dù ở trong nước hay hải ngoại, “hệ thống thông tin” của giới nghệ sĩ cải lương cũng khá tốt, nên mỗi khi cần phải xét việc gì, như thu nhận vô Viện Dưỡng Lão chẳng hạn thì cũng có cơ sở để xét. Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi:
- Thưa Má Bảy, vào Viện Dưỡng Lão coi như sống tập thể, dĩ nhiên phải có nội quy, kỷ luật, nếu vi phạm thì biện pháp nào được áp dụng, có bị đuổi ra khỏi viện hay không?
- Trừ những trường hợp vi phạm nặng nề kìa, như đánh lộn u đầu chảy máu, gây thương tích cho người khác, hoặc tổ chức cờ bạc buôn bán ma túy trong viện thì mới áp dụng biện pháp trục xuất, phạm pháp là bị bắt rồi! Chớ còn vi phạm nhỏ như cãi vả, lời qua tiếng lại thì chỉ cảnh cáo thôi, nói chung chưa có trường hợp vi phạm nặng.
- Ở trong viện có bị gò bó gì không, có được tự do tiếp xúc với người ngoài như nhà của mình, và có phải làm công việc gì cho viện không?
- Đâu có gò bó gì, muốn tiếp ai thì tiếp, viện không có cấm và những nghệ sĩ về già được vào ở trong Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ Sân Khấu coi như cũng có được nơi tạm là “nhà”, không phải lo gì nữa, chỉ còn chờ ngày đi theo Tổ nghiệp mà thôi. Ở đây mấy ông bà nghệ sĩ già không phải làm công việc gì cả, chỉ có cái là chia nhau canh chừng... ăn trộm.
- Những ông già bà lão được cho vào ở nhà dưỡng lão đều là những nghèo xơ nghèo xác, ăn trộm vào đây lấy được cái gì chớ?
- Vùng này có rất nhiều con nghiện, xì ke ma túy để hở cái gì ra cũng bị lấy, nói chung cái gì xài được là có thể mất dễ dàng.
vien-duong-lao-nghe-si400.jpg
Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ở đường Âu Dương Lân, Quận 8. Courtesy photo.
Nhà Dưỡng Lão khá khang trang, hai từng trông giống như biệt thự lầu, quanh nhà là khu vườn, đường đi có trồng cây hai bên rất đẹp, chiều chiều các cụ đi dạo quanh vườn, ca lai rai vài câu vọng cổ, hoặc ngồi băng đá tâm sự, kể lại thời vàng son đi hát được khán giả ái mộ. Những người mà nay được vào ở trong Viện Dưỡng Lão họ ghi khắc trong lòng, nhớ ơn Má Bảy Phùng Há, nếu không có tấm lòng của Má Bảy chắc tới bây giờ họ cũng còn ở dưới gầm cầu chữ Y.
Năm đó Má Bảy không còn mạnh khỏe như 8, 9 năm về trước, đau yếu bệnh tật, thế nhưng tâm trí luôn nghĩ đến vấn đề phục vụ xã hội và tuy đã 96 tuổi Má Bảy vẫn có những câu nói “rất là nghệ sĩ”, rằng con tằm nhả tơ đến chết thì người nghệ sĩ cũng vậy, nếu còn hơi hám chút ít thì cũng hát chớ không thôi ngứa nghề, nghe đờn dạo lên là ngứa cổ, già yếu đi không nổi vẫn muốn lên sân khấu, do đó mà theo định kỳ cứ đúng đêm Rằm thì tại sân Nhà Dưỡng Lão có tổ chức trình diễn ca cổ nhạc, ngoài mấy ông bà già nghệ sĩ đang ở đây, còn có các nghệ sĩ đương thời cũng vào tham gia giúp vui, mỗi lần hát là bà con quanh vùng đến coi rất đông, không có bán vé ai vào coi cũng được riết rồi thành thông lệ.

Mong sao thế hệ gìn giữ

Đề án tương lai: Ký Nhi Viện Nghệ Sĩ Trong suốt cuộc tiếp xúc với nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến các sự việc được nêu ra, và những câu trả lời của Má Bảy Phùng Há cũng đã đáp ứng được một số thắc mắc của nhiều người, vốn muốn tìm hiểu về hoạt động của cải lương. Và như chúng ta đã biết một cách khái quát công trình của Má Bảy Phùng Há, của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu đã thực hiện được như:
Trụ sở của Hội ở đường Cô Bắc, Chùa và Nghĩa Trang Nghệ Sĩ ở Gò Vấp, Viện Dưỡng Lão ở đường Âu Dương Lân, Quận 8, tất cả đã đi vào hoạt động từ lâu. Má Bảy còn nói thêm rằng trên thế giới chưa có nước có “Chùa Nghệ Sĩ”, và bà mong sao các thế hệ sau này ráng mà gìn giữ, cũng như phát triển để không phụ lòng người đi trước.
Chúng tôi tiếp tục phỏng vấn:
- Thưa Má Bảy, ngoài kho tàng vô giá văn hóa nghệ thuật của những người đi trước đã để lại, cùng những cơ sở vật chất phụng sự xã hội như đã thấy, vậy trong tương lai thì thế nào, Má Bảy có làm gì thêm nữa hay đã dưỡng già?
- Có chớ, chừng nào nằm xuống thì thôi, chớ còn ăn uống được, đi đứng được là vẫn có chuyện để làm, còn sống ngày nào là tôi phục vụ cho đời ngày nấy, nhiều người khuyên tôi nên dưỡng già nhưng tôi thì không muốn.
- Nếu chưa dưỡng già, tiếp tục làm việc thì công việc hiện tại của
Má Bảy là gì, có đề án nào nữa không?
- Hiện tại tôi và anh chị em ở đây đang đặt trọng tâm vào vấn đề thực hiện Ký Nhi Viện Nghệ Sĩ, tôi mong Tổ nghiệp độ trì cho tôi làm được cơ sở quan trọng này trước khi nằm xuống.
- Thực hiện Ký Nhi Viện Nghệ Sĩ là nhắm vào mục đích gì, động lực nào làm cho Má Bảy đặt trọng tâm vào vấn đề trên?
- Nhắm vào sự học hành cho giới nghệ sĩ kế thừa, và phải ráng làm cho bằng được, chớ không thôi thì các thế hệ sau cũng không hơn gì thế hệ trước.
Má Bảy tiếp tục nói về Ký Nhi Viện, và lời giải thích của bà làm chúng tôi khâm phục người nghệ sĩ tiền phong lão thành này, vì bà đã dám nói lên sự thật, một sự thật hiển nhiên rất nhiều người biết, mà hầu như người nghệ sĩ cải lương nào cũng muốn che giấu, không muốn một ai đề cập đến, và nếu như ai đó nói thẳng ra thì lại bị phản ứng, bị giận hờn...
Má Bảy nói rằng cổ nhạc cải lương xuất phát từ trong lòng dân tộc, trong dân gian, người nào có giọng ca trời cho thì sau đó được thành danh, thành thử ra cái khuyết điểm lớn của cải lương là đa số đã không có trình độ tương đối để ăn nói với bên ngoài. Có những người xuất thân từ bồi bàn, gánh nước mướn, cạo mủ cao su, làm ruộng chăn trâu, làm thuê làm mướn, nói chung là các thành phần ít ăn học, trình độ thấp kém, thậm chí có những người tên tuổi nổi như cồn mà lại dốt, chẳng hạn như nghệ sĩ Út Trà Ôn, trên sân khấu thì lời lẽ văn hoa bóng bẩy, nhờ role tuồng viết thế nào thì nói thế nấy, viết sao ca vậy, chớ khi hết tuồng vãn hát rồi thì ai trở về nấy, nghĩa là lời ăn tiếng nói chẳng thay đổi gì hết. Do đó mà vấn đề thành lập ký nhi viện rất cần thiết, cũng như cấp thiết để cho các nghệ sĩ rày đây mai đó, có nơi gởi con cái ăn học. Quan niệm của Má Bảy là người nghệ sĩ sau này ngoài vấn đề ca hay diễn giỏi, mà phải biết nói chuyện với người ngoài. Tôi hỏi tiếp:
- Thưa Má Bảy, nếu thực hiện ký nhi viện thì làm ở đâu, gần hay xa, có thuận tiện cho vấn đề ăn học của con em nghệ sĩ?
- Lúc này chớ không phải như hồi xưa, hồi đó đi tìm mua đất cũng đã khó khăn rồi, huống chi hiện giờ nhà cửa thiên hạ ở chật hết, không thể tìm đâu ra địa điểm tốt, còn như nếu đi xa thì bất tiện, do đó mà công trình ký nhi viện phải thực hiện ngay tại Chùa Nghệ Sĩ này, nghĩa là phải lên lầu, ký nhi viện ở trên, Chùa ở dưới, chớ làm ở chỗ khác thì kinh phí không có để làm.
Thế nhưng, “mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”. Ký Nhi Viện Nghệ Sĩ chưa thực hiện được thì Má Bảy về với Tổ nghiệp khi còn một tuổi thì đúng 100. Người ta mong rằng đề án Ký Nhi Viện Nghệ Sĩ của Má Bảy trong tương lai sẽ có người, có tổ chức đứng ra thực hiện. Muốn có được như vậy thì trước hết những kẻ từng ăn cơm Tổ nghiệp phải là những người đóng góp trước tiên vậy.
Ngành Mai, thông tín viên RFA


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn