Gian nan khi mua đất cất Chùa và nghĩa trang nghệ sĩ

Nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.

Không dễ dàng

Tiếp tục phỏng vấn Má Bảy Phùng Há về việc mua đất cất chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Dù đã có tiền, việc kiếm mua đất làm nghĩa trang cũng không dễ dàng. Việc xin giấy phép là cả một sự khó khăn. Chùa thì dễ hơn chớ còn kèm theo nghĩa trang thì việc xin giấy phép là cả một vấn đề, không có xã nào muốn đem thây ma xác chết về chôn ở địa phương mình.
Gồm chung hai vấn đề gặp khó khăn, thế nhưng tại sao Hội không tách hai vấn đề ra, cất chùa riêng và lập nghĩa trang riêng?
Theo ý kiến của đa số người trong Hội lúc bấy giờ thì muốn cho giới nghệ sĩ vừa đi Chùa vừa đi thăm viếng chăm sóc mồ mả đồng nghiệp luôn, chớ nghĩa trang riêng thì hiếm có người đi thăm, bởi lúc đó có nhiều nghệ sĩ tuổi đã về chiều, một số đã nằm xuống rồi.
Khi đã đi coi vừa ý một mảnh đất, đã thương lượng xong với chủ đất thì liền sau đó Má Bảy và nghệ sĩ Năm Châu phải liên hệ ngay với chính quyền xã ấp địa phương về việc cấp giấy phép, nếu chính quyền đồng ý thì mới tiến hành thủ tục mua bán, chớ như mua đất rồi mà không xin phép được thì làm sao đây? Mục tiêu của Hội là cất Chùa và lập nghĩa trang cho nghệ sĩ, nhưng bất cứ ở xã nào trong tỉnh Gia Định cũng gặp khó khăn trong vấn đề cho phép, chỗ nào cũng nói: Chờ xét! Mà mỗi lần như vậy là mất đôi ba tuần, có khi mất trên cả tháng và cuối cùng thì nhiều xã ấp đưa ra đủ lý do để từ chối cấp giấy phép.
Tôi hỏi:
- Những lý do nào mà các chính quyền ở địa phương đưa ra để không chấp thuận việc cấp giấy phép, xin má Bảy cho biết một vài thí dụ?
- Họ đưa ra cả chục lý do, nói rằng phải chi xin phép lập hãng xưởng, xây dựng cơ sở làm ăn như vừa qua mấy người Tàu xin lập hãng nước đá thì họ cho phép liền mà còn hoan nghinh, chớ đằng nầy xin lập nhị tỳ thì phải xét cho kỹ lưỡng, đem nhị tỳ về đây buồn lắm! Họ viện rất nhiều lý do để từ chối cấp giấy phép mà trong đó có cả lý do... sợ ma nữa, mới thật là buồn cười, thật là vô lý!
- Vấn đề “sợ ma” họ chứng minh thế nào vậy má Bảy, có phản khoa học hay không, có thực tế không hay chỉ nói vu vơ?
- Có lần khoảng gần Tết đầu năm 1958, chúng tôi chọn được miếng đất hơn một mẫu Tây trên miệt Bà Quẹo, giá cả vừa phải, vừa túi tiền của Hội lúc đó và chủ đất cũng mong chúng tôi mua xong sẽ có tiền có tiền ăn Tết, đồng thời chia cho con cái số vốn làm ăn, bởi họ đang nghèo mong cho đất có người mua. Thế nhưng, khi đến chính quyền Hội Đồng Xã địa phương hỏi về việc cấp phép thì xã không chấp thuận với lý do sợ ma, mà tôi còn nhớ lúc bấy giờ ở giữa phòng họp có chiếc bàn lớn, chúng tôi ngồi một bên, viên chức xã ngồi một bên nói chuyện. Bên chúng tôi gồm 5 người và anh Năm Châu được đề cử ăn nói với làng xã, còn 4 người chúng tôi gồm có anh Duy Lân, anh Tư Trang, chị Bảy Nam và tôi thì ngồi nghe nhiều hơn. Bên phía xã thì có thầy Hương Quản, tức Hội Viên Cảnh Sát, ông Hội Viên Kinh Tế, ông Hội Viên Giáo Dục cùng vài viên chức khác của xã, ông Hội Viên Kinh Tế nói trước: Miếng đất mà quý ông bà đào kép hát cải lương mua đó, nó nằm cạnh con đường qua lại làm ăn của dân chúng, họ đi khuya về sớm, những người gánh rau cải, bầu bí cho bạn hàng đem xuống bán các chợ ở Sài Gòn, họ đi ngang miếng đất đó từ 4, 5 giờ khuya và dân đi làm ruộng rẫy, cắt lúa đập lúa cũng đi ngang đó lúc mặt trời chưa mọc, nếu làm nhị tỳ ở đây khiến họ sợ ma không dám đi sớm, ảnh hưởng đến công chuyện mua bán làm ăn của họ.
Viên chức trông coi về Kinh Tế nói đến đây thì ông Giáo Dục nói rằng, ở xã lân cận cho lập nhị tỳ cũng nằm sát con đường học trò đến trường, trẻ con nhát ma với nhau không dám đi học, và có lần bọn chúng chơi trò trốn kiếm trong nghĩa địa, một đứa bị ma giấu tới chừng dẫn chó đi cho sủa thì gặp nó ngồi gần bên cái mả mới chôn, miệng ngậm đầy đất sét!
Rút kinh nghiệm nên với tư cách người trông coi về sự học hành của xã tôi chống lại việc lập nhị tỳ! Còn thầy Hương Quản thì thực tế hơn, ông nói rằng lập nhị tỳ tại đây thì là chỗ ẩn náo tốt cho bọn bất lương trộm cướp, chúng sẽ lợi dụng sự vắng vẻ cướp giựt người đi đường, tạo sự bất an trong xã. Là viên chức có trách nhiệm về an ninh ở địa phương, ông cũng không chấp thuận làm nghĩa địa ở đây, xin quí ông bà đi kiếm đất chỗ khác.
Biết là họ không chấp thuận rồi, nói nhiều cũng vô ích, nghệ sĩ Năm Châu mặt mày buồn hiu, cười gượng và nói giả lả trong phòng họp: “Ma nào thì nhát, chớ ma cải lương thì hiền khô, không có nhát ai đâu mà chỉ ca sáu câu vọng cổ thôi! Gặp ma cải lương thì cũng giống như bà con đi coi tuồng Phạm Công Cúc Hoa vậy!”
- Vô lý như vậy sao Má Bảy và các nghệ sĩ không khiếu nại ở cơ quan hành chánh cấp cao hơn như quận, tỉnh, chớ xã nào cũng không cho lập nghĩa trang thì người chết chôn ở đâu?
- Khiếu nại cái nỗi gì, không được chỗ nầy thì đi kiếm chỗ khác, hơi sức đâu đi khiếu nại, thưa gởi mất thì giờ rồi cũng chẳng đi đến đâu. “Phép Vua thua lệ Làng” mà!

Bỏ công để làm việc nghĩa

Chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp
Tiếp tục câu chuyện “mua đất” của má Bảy Phùng Há để cất Chùa và lập nghĩa trang cho nghệ sĩ cải lương, thì má Bảy nói đất ở gần thì không có, chớ còn như ở xa thì đất trống, đất rộng có nhiều, xin giấy phép lập nghĩa trang cũng dễ, người chết nằm đâu cũng được nhưng lại khó cho người sống, là khi có ai nằm xuống thì phải di chuyển đi xa, tốn kém nhiều, trở ngại cho người đi đưa đám. Cũng như việc cất Chùa, nếu như Chùa ở gần thì nghệ sĩ cũng siêng đi cúng hơn, có thể mỗi ngày rằm, ngày vía họ đều đi, chớ ở xa thì cả năm chưa chắc họ đi cúng Chùa một lần.
Má Bảy nói thêm rằng việc mua đất có khó khăn, gian nan chán chường thật, cũng như tốn rất nhiều công sức thì giờ nhưng không thấy buồn mà đôi lúc còn thấy vui trong lòng, bởi dầu sao thì cũng bỏ công để làm việc nghĩa, việc từ thiện. Thế nhưng, cái khổ tâm nhứt cho bà là bị “hỏi thăm” đất đã mua chưa? Hầu như chẳng có ngày nào mà không bị hỏi thăm về miếng đất trong tương lai mà số tiền Hội đã có trong tay.
Biết được Hội đã có tiền rồi thì giới nghệ sĩ hỏi, Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ hỏi, và cả những người ngoài không ăn nhập gì với Hội, với cải lương cũng hỏi tại sao lâu quá mà chưa mua đất, tiền có còn đủ hay đã xài việc khác hết rồi? Thậm chí có người còn kể lại rằng ai đó đã nói: “Tới Tết Chà Và mới mua, của Tào đem đổ Âm Ty hết rồi! Tiền đua ngựa chắc đi đánh cá ngựa trả lại cho trường đua Phú Thọ rồi”!
Trời ơi, thiệt là khổ! Má Bảy than như vậy và nói phải chi biết trước có vấn đề bị nghi ngờ thế nầy thì chắc chẳng bao giờ bà dám dấn thân làm chuyện xã hội cho bị tai tiếng! Tôi hỏi:
- Bị tai tiếng như vậy sao má Bảy không lên tiếng cho người ta biết rằng tiền vẫn con đủ, nếu cần trưng ra làm bằng cớ, bởi tham gia vào việc nầy còn có các người khác như nghệ sĩ Năm Châu, Ba Vân, Duy Lân, Tư Trang, Bảy Nhiêu...
- Thật ra thì trong nhóm đi mua đất ai cũng biết tiền còn đủ chớ có mất đi đâu đồng nào, chính họ cũng bực tức như tôi nhưng mỗi người một suy nghĩ khác, riêng tôi thì muốn đem tiền trả lại cho Hội Đua Ngựa cho xong, nhưng anh Năm Châu nói rằng đã lỡ cỡi trên lưng cọp rồi, nếu nhảy xuống sẽ bị cọp vồ, dù có đem tiền trả lại cho trường đua thì có mấy người biết chớ! Chi bằng ráng mua cho được miếng đất thì mọi sự nghi ngờ sẽ tan biến hết.
- Ý kiến của nghệ sĩ Năm Châu rất thực tế, chắc lúc đó mọi người đã theo ý kiến của ông phải không Má Bảy?
- Đúng vậy! Theo ý anh Năm Châu ai nói gì thì nói, việc mình mình làm, ráng chịu đựng thêm thời gian nữa, riêng tôi van vái Tổ nghiệp thì một ngày nọ có người điềm chỉ hướng dẫn đến cuộc đất nầy đây. Mua được đất rồi, giấy tờ xong xuôi rồi coi như cái gánh nặng từ một năm nay đã trút bỏ xuống, thiên hạ không còn ai nói ra nói vô, không còn nghĩ bậy cho Hội cũng như cho cá nhân tôi, kể cả Hội Đua Ngựa Trường Đua Phú Thọ nghe nói mua đất xong họ cũng gởi giấy chúc mừng.
- Lúc đó chắc Hội tổ chức ăn mừng, và má Bảy có mời những người trước đó đã loan tin thất thiệt đến dự để cho họ biết không?
- Cần gì, mua xong là thiên hạ biết ngay, hôm bữa đó buổi sáng chồng tiền trước mặt Hội Đồng Xã, thì buổi chiều ở hậu trường mấy rạp hát họ bàn tán xôn xao như ong vỡ tổ, có người nói rằng: “Mai một chết có chỗ chôn rồi”!
Má Bảy Phùng Há nói rằng mua đất được rồi coi như đã giải quyết được hai phần ba công việc, bà và các nghệ sĩ cùng thời trong nhóm mừng vui ra mặt, tổ chức cúng đáp lễ Tổ nghiệp, ăn mừng rất lớn và tin trên bay đi thật xa, chỉ mấy ngày là tất cả các đoàn hát đang họat động ở các tỉnh đều biết.
Miếng đất vừa mua có diện tích 6,080 thước vuông, tọa lạc tại xã Hạnh Thông Tây, Quận Gò Vấp, tính ra thì không gần cũng không xa, cũng như về mặt giấy tờ xin phép cũng dễ, do lúc bấy giờ quanh đây là căn cứ quân sự của quân đội viễn chinh Pháp. Sau Hiệp Định Genève 1954, Pháp rút về nước giao lại cho quân đội Quốc Gia, lực lượng còn yếu kém chẳng bao nhiêu lính tráng hiện diện nên vùng nầy vắng vẻ, con đường từ chợ Hạnh Thông Tây đi vô miếng đất là đường mòn, ít người qua lại, nhà cửa dân chúng thưa thớt, nhờ vậy mà vấn đề xin phép lập nghĩa trang không gặp khó khăn.
Ngành Mai, thông tín viên RFA


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn