Ý kiến: Ai mang ai ra biển?


Là người sống ở hải ngoại, tôi không được theo dõi sát tình hình văn học trong nước, nhưng cũng cố gắng tìm đọc một số tác phẩm mới được quan tâm.



Mới đây, theo giới văn nghệ trong nước, tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư đang được đánh giá cao. Nhà thơ Hữu Việt nhận xét rằng đó là một tập thơ “nhiều triết luận về những bức bối thời cuộc”.
Báo Tuổi Trẻ ngày 7/10/2015 cho biết tập thơ đã được trao giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2015. Bài báo nhận xét: “Tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư thì mới lạ và mới mẻ trong tư duy thơ về cá nhân con người khi lọt lòng mẹ mang vết sẹo làm người trong một cõi nhân sinh nhiều lo âu và bất na.”
Một bài thơ trong tập sách, “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn”, có đề dẫn “gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến”. Ông Việt Chiến từng có bài thơ nổi tiếng “Tổ quốc nhìn từ biển” ra đời năm 2011 khi Trung Quốc gây hấn cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông.
Bài thơ của Phan Huyền Thư cũng nói về biển, bắt đầu là:
Nếu tôi chết
hãy đem tôi ra biển
vì tôi là hạt muối buồn
kết tủa từ cô đơn
tự ăn mòn mình bằng mơ mộng
Nếu tôi chết
hãy ném tôi vào sóng
cào đến xước mặt hoàng hôn
nàng tiên cá hát ru con
mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ
trôi theo dòng hải lưu tình sử
giam hồn mình dương liễu Quán Thế Âm...



Khi bài đăng trên Facebook của nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có bình luận: “May mà đã in trong tập thơ mới được giải thưởng, nếu không lại có kẻ đạo ý thơ, tứ thơ để nhận xằng là thơ của họ, chúc mừng em”.
Có thể, ông Chiến đang muốn nhắc đến một “bức bối thời cuộc” khác, cuộc tranh cãi ai là tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” giữa bà Nguyễn Phan Quế Mai và ông Ngô Xuân Phúc, một cựu binh biển đảo.
Nhưng chính những ý kiến kể trên lại khiến nhiều độc giả thắc mắc về tính nguyên bản của câu thơ trích từ thi tập Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư.
Nhiều người, đặc biệt là những người từng là thuyền nhân Việt Nam, vẫn nhớ nằm lòng câu “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của ông Du Tử Lê, câu thơ mở đầu cho bài thơ cùng tên.
Sau này, nhạc sỹ Phạm Đình Chương có phổ thành nhạc phẩm với tiêu đề không thay đổi và trở nên phổ biến trong cộng đồng hải ngoại cũng như trong nước.
Xét về tổng thể của hai bài thơ, “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” và “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” là hai tác phẩm độc lập từ cấu trúc cho tới ý tứ. Tuy nhiên, hai câu mở đầu giống nhau đến 75% (chỉ khác đúng hai chữ) và hai câu đó lại là hai câu chính ý của toàn bộ tác phẩm.
Có thể, Phan Huyền Thư đã nhập tâm và trùng ý với Du Tử Lê một cách ngẫu nhiên vì thi phẩm của Du Tử Lê vốn dĩ cũng không quá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, nhất là những thi phẩm thuộc diện “cấm kị” như “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”. Tuy nhiên, dù sao đó vẫn là một trùng lặp tối kị trong văn chương.
Việc một tập thơ với ‘tai nạn’ nhỏ như vậy được chấm giải đặt ra vấn đề rất lớn về chất lượng hội đồng giám khảo giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội cũng như hội đồng biên tập của đơn vị xuất bản.
Ai mang ai ra biển? Ông Du Tử Lê? Phan Huyền Thư? Hay những người có trách nhiệm với nền văn nghệ Việt Nam đương thời?


BBC


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn