Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Quan trọng nhất vẫn là vấn đề chọn cán bộ



“Người đứng đầu phải có bản lĩnh. Tức là biết đề ra định hướng, mục tiêu đúng đắn, biết tổ chức thực hiện định hướng, mục tiêu đó. Và không thể chấp nhận được cán bộ cấp cao dính đến tham nhũng”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu quan điểm trước thềm Đại hội 12.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Theo tôi nếu có sai lầm về đường lối kinh tế ta có thể sửa chữa. Có con người tốt rồi thì không lo đường lối không đúng. Đường lối do con người làm ra mà. Sợ nhất vẫn là vừa thiếu đức, vừa bất tài”

Đã gần một nhiệm kỳ trôi qua từ khi người chính khách Nguyễn Minh Triết thôi làm nhiệm vụ Chủ tịch nước, trở về sinh sống trên mảnh đất quê hương Bình Dương, nơi có gian nhà ấm cúng hoà vào thiên nhiên bình yên với chim hót và vườn cây xanh rợp bóng mát.
Trong một sáng trời thu mát dịu, nâng chén nước lá vối mới pha còn nghi ngút hơi nóng, nguyên Chủ tịch nước sắc mặt hồng hào, giọng nói sang sảng chuyện trò cùng khách đăng ký đến thăm rộn ràng cả một góc vườn. Phóng viên Một Thế Giới đã có dịp trò chuyện với ông trong không gian như thế.
Cuộc sống của ông giờ đây rất đỗi bình dị. Đó là những buổi sáng thăm vườn rau, luống cải, gốc tiêu, nhẹ nhàng uống chén nước vối thơm nồng. Mới đây thêm việc nuôi yến, ông vui với công việc đem lại thu nhập ổn cho gia đình. Thế nhưng, trái ngược với khung cảnh nên thơ, êm đềm đó, trong thâm tâm người cách mạng Sáu Phong vẫn luôn sôi sục nỗi niềm, nặng gánh, nặng tình với quê hương đất nước.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại quê nhà Bình Dương. Ảnh: Thảo Hương 

Chống tham nhũng là vấn đề sống còn
Là một công dân, một Đảng viên thì chắc chắn vấn đề quan tâm lớn nhất của ông không ngoài chuyện đất nước. Trong đó, cuộc sống của người dân là một trong những điều làm ông trăn trở. Nếu trước đây, người ta nhìn vào ông ở vị thế Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, thì nay, con người đó trở nên bình dị gần gũi với người dân làng xóm, địa phương nên ông càng thấu hiểu tâm tư đời sống của người dân hơn.
Từ câu chuyện gần nhất như nơi quê hương Bình Dương, dân còn nhiều người nghèo. Dù đây là vùng đất tương đối phát triển, nhưng vẫn còn đó những người dân nghèo, thậm chí còn không đủ tiền cho con đi học, ông bày tỏ sự trăn trở lớn nhất là vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng trong hệ thống cầm quyền.
"Chống tham nhũng là vấn đề sống còn, vì sao ư? Vì nó làm băng hoại xã hội. Cái tổn hại lớn nhất là làm người dân mất niềm tin vào chế độ. Chống tham nhũng không có hiệu quả không những làm thất thoát tiền bạc vật chất của dân mà nó còn làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm cho đất nước tụt hậu. Cho nên, chống tham nhũng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu, nếu không loại trừ được nó thì sẽ rất nguy hiểm”, nguyên Chủ tịch nước quyết liệt.
Ông nói thêm: “Từ sau đại hội VI, nền kinh tế có những bước phát triển nhất định, nhưng không đồng đều và chưa vững chắc”.
Trong 20 năm trở lại đây, phải nhìn nhận trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước, chưa bao giờ có nhiều vụ tham nhũng lớn xảy ra như giai đoạn vừa qua, những Vinashin, Vinalines và các vụ thất thoát lớn khác mà ta đang cần làm rõ trách nhiệm. Tôi choáng váng với một trường hợp trưởng phòng của Vinashin đã tham nhũng được hàng chục triệu USD.
“Thế nhưng việc xử lý của chúng ta chưa nghiêm, chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu một cách triệt để. Rõ ràng chúng ta làm chưa tốt. Nếu làm chặt chẽ và nghiêm hơn thì chúng ta có thể sẽ hạn chế được tham nhũng. Ở đây chúng ta từng xác định không có “vùng cấm” nào trong công tác chống tham nhũng”.
Phải chọn người có đức, biết lo cho nước cho dân
Đại hội Đảng XII sắp tới, vấn đề nhân sự luôn thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người. Với tư cách là nguyên Ủy viên bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước, ông chia sẻ: “Kỳ đại hội nào nội dung cũng quan trọng. Đường hướng trước mắt và dài hơi đã có rồi. Tôi cho vấn đề nhân sự hiện nay là cực kỳ quan trọng. Đại hội chọn sai người thì trả giá đắt lắm”.
 Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trò chuyện với phóng viên MTG. Ảnh: Dương Cầm

"Nguyễn Du có nói "tâm kia bằng ba chữ tài". Tài và Đức đều quan trọng. Có Tài mà không có Đức thì nguy hiểm. Mà theo tôi hiện nay cái cần chính là Đức trước đã. Xã hội, người dân quan tâm là cái Đức của cán bộ lãnh đạo". Nguyên chủ tịch nước phân tích: “Theo tôi nếu có sai lầm về đường lối kinh tế ta có thể sửa chữa. Có con người tốt rồi thì không lo đường lối không đúng. Đường lối do con người làm ra mà. Sợ nhất vẫn là vừa thiếu đức, vừa bất tài”.
“Chúng ta thường nói chế độ này là do dân, vì dân. Nhưng phẩm chất, năng lực cán bộ có đủ sức để thực hiện một chính quyền như thế không? Ta không nên nói suông mà phải đi đôi với làm, và làm cho bằng được thì dân mới tín. Thời điểm hiện nay không cho phép chúng ta chần chừ, không có đường lùi nữa đâu.
Thực tế, việc thi tuyển nói chung với cán bộ công chức chỉ mới xác định được người Tài, có năng lực, và không phải lúc nào chế độ thi tuyển cũng chuẩn mực. Nhưng còn tuyển chọn người có Đức thì ta thì ta chưa có trường lớp, chỉ có thể qua thực tiễn công việc, công tác. Nhưng với việc sát hạch qua thực tế thì không phải dễ, phải công tâm trong công tác cán bộ và chống việc chạy chọt, tránh tuyển chọn theo cách cứ con ông cháu cha là được vào vị trí này vị trí kia mà quên căn cứ vào năng lực, phẩm chất của người được đề cử. Đừng để câu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” diễn ra trong công tác cán bộ như người ta thường nói.
Ta cũng từng có những cuộc thăm dò trong nội bộ, khi thăm dò thì bỏ phiếu cao, nhưng khi bỏ phiếu thật thì không đạt. Cái đó là gì? Là sự thiếu trung thực với nhau.”
 Nhà báo Hoàng Đại Thanh bên cạnh nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. 
Ảnh: Thảo Hương 



Tình hình kinh tế là vấn đề đáng lo
Nền kinh tế hiện nay chủ yếu chúng ta dựa vào việc bán những tài nguyên thô và lao động rẻ. Ta có rất ít các sản phẩm chủ lực. Việc nhập các thiết bị, nguyên liệu, điện, hoá chất, dệt may… hiện đang lệ thuộc quá nhiều vào một nước.
Nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chúng ta nhất định hội nhập và mở rộng làm ăn với các nước, nhưng không nên lệ thuộc vào bất cứ nước nào. Vấn đề nhập siêu với Trung Quốc làm cho ta đáng lo ngại”.
Theo Ngân hàng thế giới và các con số thống kê khác, nợ công của nước ta lên đến hơn 110 tỉ USD. Trung bình mỗi người Việt Nam đã gánh trên 1.000 USD. Chưa kể nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ bảo lãnh. Nhớ đến vụ vỡ nợ của Hy Lạp cách đây không lâu, ông cảnh báo: “Hy Lạp vỡ nợ còn có EU cứu, còn trường hợp Việt Nam chúng ta thì phức tạp hơn nhiều”.
Thảo Hương – Dương Cầm (lược ghi)=> Một thế giới




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn