Đưa cháu đi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám



Mạc Văn Trang

Thằng cu Hải ở Ban Lan, tốt nghiệp lớp 12, trong khi chờ vào đại học, bố mẹ cháu cho về thăm ông bà, nội ngoại, nhân thể lĩnh hội thêm văn hóa quê cha, đất tổ. 

Một trong những điểm đến học hỏi là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trước khi dẫn cháu đi mình lên Google ôn lại kiến thức về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ôi chao, đánh “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, chỉ 0,55 giây đã có hơn 500.000 kết quả!

Việc tham quan kiến trúc, chụp hình trước Văn Miếu Môn hay Khuê Văn Các … thì đương nhiên rồi. 

Mình phải giải thích cho thằng “Tây Annam” này hiểu rằng, Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông là để thờ các “Giáo sư”, điển hình là “GS” Khổng Tử, “GS” Chu Văn An…Chứng tỏ dân ta gần nghìn năm trước đã có truyền thống quý trọng các Thầy giáo…

Quốc Tử Giám xây 1076 tức trường Đại học đầu tiên của VN (nói nhỏ, lúc đó Châu Âu còn chưa có trường Đại học đâu nhé!). Quốc tử Giám đào tạo “đa cấp”, đến “sau Đại học” cấp bằng Tiến sĩ; những Tiễn sĩ “siêu nhất” được gọi là “Trạng nguyên”. (Tây không có cấp bậc này nhé!). Đây là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước…Thằng bé giỏng tai nghe, mắt tròn mắt dẹt, ghi ghi, chép chép…

Vào khu Nhà Bia, nó lạ lắm, thấy mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc chữ, đặt trên lưng rùa đá…

Mình giảng giải cho thằng cu, hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779 qua các triều vua Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng. Mỗi bia khắc bài văn, nói về mỗi kỳ thì, tên 1.304 tiến sĩ được khắc trên đó; bia cũng nói lên Triết lý giáo dục, chẳng hạn Bia năm 1484 có khắc: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp"… Chứng tỏ Việt Nam cực kỳ coi trọng giáo dục, coi trọng trí thức từ ngàn xưa, nhé!

Thằng cu ngẫm nghĩ rồi thắc mắc: Sao bây giờ Việt Nam lại kém thế? 

Mình chửi thầm: Cha bố mày! Hỏi khó thế! Nhưng ở vị thế làm ông phải ra oai:

- Cái đó thì cháu phải tự tìm hiểu dần dần, lớn lên mới hiểu được! Phải nghiên cứu so sánh quốc tế lịch đại, đương đại và trường hợp Việt Nam, mới biết vì sao thế này? Vì sao thế kia!...

Nó lại thắc mắc, sao ngày xưa viết chữ giống China, bây giờ lại viết chữ Latinh? 

Mình giải thích, từ thế kỷ 17, các Giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào Việt Nam truyền đạo Thiên Chúa, mới dùng chữ La tinh ghi âm tiếng nói người Việt… Người mình thấy thứ chữ đó dễ học, dễ viết hơn chữ Hán, Nôm, nên dùng luôn thành chữ Quốc ngữ…

May quá không ba hoa gì thêm. Về nhà tìm hiểu thêm mới biết, trước kia mình tưởng ông Alexandro de Rhodes là ông Tổ của chữ Quốc ngữ, hóa ra không phải. Ông này “đạo” công trình của 2 ông Thầy, không may tử nạn, rồi đem về Bồ Đào Nha xuất bản.

“Tuy thế, dù sao đi nữa chúng ta cũng ghi nhận rằng Alexandro de Rhodes đã đưa ra xuất bản những công trình về chữ quốc ngữ sáng tạo bởi hai người Bồ Đào Nha: Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa”.

“Hai vị thầy vĩ đại này xứng đáng gợi chúng ta lập tượng đài tưởng niệm, chứ không phải Alexandro Rhodes”! (GS -TS Phạm Văn Hường – Pháp).

Thăm Văn Miếu – QTG chả biết thằng cu có lĩnh hội thêm được gì hay không? Nhưng nó kg thích đăng ảnh lên, thành ra đưa mấy ảnh “chay” vậy!

M.V.T


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn