Ông Phan Đăng Long giãi bày về những phát ngôn gây "sóng gió dư luận"

“Giữa sóng gió của dư luận, tôi luôn chọn cách im lặng vì cái chung, tôi không muốn phản ứng rồi lại khiến bức xúc của nhân dân thêm “nóng” lên”

Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long

Xuống tận cổng đón phóng viên lên họp báo
Ông có cho rằng, ở vào vị trí của ông, có lẽ nhiều người đã chọn một cách sống “an toàn” và khôn ngoan để giữ hình ảnh cũng như tránh rắc rối, thay vì luôn đi thẳng vào vấn đề và chưa từng từ chối bất kỳ câu hỏi nào của báo chí?
Trước khi đảm nhận vai trò Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tôi đã có một thời gian dài làm Phó giám đốc phụ trách của Sở Văn hóa-Thông tin. Ngay từ thời điểm ấy, tôi đã trực tiếp chủ trì các cuộc họp báo diễn ra thường xuyên ở Sở. Khi ấy, không có thông tin nào của Sở mà chúng tôi không công khai với báo chí, và cũng không có câu hỏi nào của báo chí mà tôi từ chối trả lời. Với báo chí, tôi coi họ là tình thân, không bao giờ tạo ra vùng cấm, cũng không bao giờ tỏ ra quan cách khi tiếp xúc với họ.
Có lần đang chủ trì một cuộc họp báo tại Sở, tôi nhận được tin nhắn của một PV nói rằng đang phải đứng ngoài cổng vì không có giấy mời. Ngay lập tức, tôi xuống tận cổng đón PV đó lên dự họp. Tôi không bao giờ thấy phiền phức mà còn thấy vui, vì khi gặp khó khăn họ nghĩ đến mình. Đến khi được giao nhiệm vụ chủ trì các cuộc giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, vẫn có những PV gọi điện, nhắn tin “cầu cứu” vì không có thẻ nên không vào dự họp được.
   
“Trong cuộc đời, con người ai cũng phải có lúc được, lúc mất, nhưng không có gì quý bằng lòng tin, sự chân thành, thẳng thắn với nhau. Hơn 10 năm tiếp xúc với báo chí, tôi luôn chân tình và cũng cảm nhận được sự chân tình của các phóng viên, nên tôi rất trân trọng điều đó”.
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Có khi đang công tác ở xa, nhưng tôi vẫn gọi điện để bảo vệ tạo điều kiện cho PV vào tác nghiệp. Trên những cương vị mình từng đảm nhận, hơn ai hết, tôi hiểu báo chí cần thông tin như thế nào, nên tôi luôn cởi mở trao đổi mọi thông tin. Có những vấn đề chưa nắm được, tôi hỏi những nơi có trách nhiệm khác rồi thông tin lại cho PV.
“Tai nạn nghề nghiệp” từ những phát ngôn“bị cắt xén”
Ông nói rằng chưa từng từ chối bất cứ câu hỏi nào và luôn nhiệt tình giúp đỡ báo chí, nhưng vì sao trong một lần họp báo, ông lại đuổi một PV ra ngoài?
Vào thời điểm dư luận xôn xao về vụ mua bán trẻ em trong chùa Bồ Đề, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã ngay lập tức mời các đơn vị liên quan đến dự họp giao ban báo chí để chủ động cung cấp thông tin. Buổi họp báo thu hút hàng trăm PV, hội trường như nóng ran bởi phần hỏi đáp giữa báo chí và cơ quan chức năng.
Đỉnh điểm của sự việc là khi tôi đang phát biểu, một nữ nhà báo cố chen vào và yêu cầu tôi đi đúng trọng tâm vấn đề. Vì thế, tôi đã mời nữ nhà báo này ra khỏi cuộc họp báo. Tôi biết cách xử sự của mình gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít người phản ứng tiêu cực. Sau sự việc, tôi cũng cảm thấy buồn. Nhưng tôi cho rằng, tôi không sai khi làm như vậy. Bởi trong một cuộc họp báo, phải có quy tắc, có văn hóa, và việc PV cố tình ngắt lời người chủ trì để lái theo hướng của mình là không chấp nhận được. Về sau tôi biết rằng, trong cuộc họp báo ở Bộ Thông tin-Truyền thông, có PV đem chuyện này ra hỏi Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, xem tôi làm thế đúng hay không. Thứ trưởng Tuấn cũng khẳng định, cuộc họp báo nào cũng phải có quy tắc nhất định. Tôi không sai, nhưng nếu như tôi mềm mỏng hơn thì có lẽ mọi chuyện tốt hơn.
Ông có khá nhiều phát ngôn “gây sốc” mà có lẽ sốc nhất là phát ngôn “khai man tuổi là yêu nước”, thực hư câu chuyện này thế nào?
Có lần PV hỏi tôi về việc một lãnh đạo quận Hoàng Mai điều chỉnh tuổi thì liệu có phải là “khai man” để được về hưu muộn hơn không? Trường hợp này tôi biết rất rõ. Ngày xưa cán bộ đó khai tăng tuổi để xung phong đi bộ đội, nên bây giờ xin điều chỉnh lại cho đúng, các cơ quan chức năng sau khi điều tra rõ bản chất sự việc nên đồng ý cho người này điều chỉnh lại tuổi.
Tôi đã trả lời PV như vậy và có nói thêm, ở thời của chúng tôi thì việc nói dối tuổi của mình để được đi bộ đội, thậm chí có người nhẹ cân còn cho đá vào túi để được tòng quân. Đó là những hành động yêu nước. Thế nhưng PV đó về cắt câu trả lời của tôi thành “Khai man tuổi là yêu nước”. Nhiều người không cần đọc hết bài, chỉ cần đọc tiêu đề bài viết đã không tiếc lời “ném đá” tôi.
Còn phát ngôn “chặt cây không cần hỏi dân” thì sao, thưa ông?  
Thời gian vừa rồi, khi sự việc thay thế và chặt hạ cây xanh đang nóng bỏng dư luận, tại một buổi họp giao ban báo chí, sau khi kết thúc, một PV thân tình đến nói chuyện với tôi về chuyện chặt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trong câu chuyện, PV có hỏi: “Việc chặt cây, thành phố có tổ chức hỏi ý kiến nhân dân không?”, tôi giải thích rằng, trong thực tế, không phải bất cứ vấn đề gì cũng đem ra hỏi dân. Trong rất nhiều việc cụ thể, chính quyền không trực tiếp hỏi ý kiến nhân dân nhưng thông qua tổ chức đại diện của dân là HĐND, và việc chặt cây là một việc như thế. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền giám sát mọi việc.
Tôi trả lời đầy đủ như vậy, và cũng không nghĩ câu chuyện giữa mình với PV đó đã được một PV khác đứng ngoài ghi âm lại và về viết theo dạng phỏng vấn, rồi giật một cái tít rất “ác tâm” là: “Chặt cây không cần hỏi dân” khiến dư luận hiểu lầm là tôi coi thường dân. Có lẽ đây là “sự cố” khiến tôi thấy buồn nhất. Đọc những bình phẩm, comment trên mạng bằng những lời rất thậm tệ, tôi buồn, nhưng bình tĩnh đón nhận vì trong lương tâm mình thanh thản, cả cuộc đời làm cán bộ, chưa bao giờ tôi coi thường dân.
Phát ngôn “cướp có văn hóa” của ông cũng từng gây ồn ào dư luận, ông giải thích thế nào về câu chuyện đó?
Tại một cuộc họp báo, trong ngữ cảnh các PV hỏi về tục cướp lộc ở Hội Gióng, cho rằng nó đang biến tướng khó lường khi việc tranh cướp diễn ra ngày càng gay gắt làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội, tôi đã dành nhiều thời gian phân tích về tục cướp lộc trong lễ hội. Trong đó, có một ý đại loại là cướp lộc là một tập tục văn hóa ngày xưa, có tính ước lệ, là mong muốn có được may mắn, vậy từ cướp ở đây là một tập tục văn hóa, không phải là cướp giật. Có phê phán là phê phán người đi hội bây giờ vào tranh cướp nhau, cướp lấy được chứ ngày xưa người ta cướp có văn hóa. Thế nhưng sau đó, không ít báo về giật tít tôi nói là “cướp có văn hóa”, thể hiện bài viết thiếu khách quan khiến dư luận dậy sóng.
Chọn cách im lặngtrước búa rìu dư luậnVới quan chức sau vài lần chịu “vạ miệng”, họ sẽ rất cẩn trọng khi tiếp xúc với báo chí. Nhưng vì sao nhiều lần bị PV dẫn sai lời như thế, ông vẫn không “cảnh giác” hơn? Tính tôi thế rồi. Tôi không bao giờ “cảnh giác”, cũng không bao giờ tạo khoảng cách với báo chí. Tôi chỉ trả lời hết khả năng, trách nhiệm mà tôi có, mục đích cuối cùng là giúp anh em báo chí có thông tin để viết tin bài. Quan niệm như vậy, nên tôi luôn thẳng thắn trong tất cả mọi trường hợp. Còn việc báo này hay báo kia đưa tin chưa chính xác làm ảnh hưởng đến tôi, tôi vẫn nghĩ rằng đó chỉ là cá biệt, bởi tôi biết còn rất nhiều PV làm việc có lương tâm và trách nhiệm. Tôi hoàn toàn tin tưởng khi cung cấp thông tin cho họ.
Trong tất cả những sự cố khiến dư luận dậy sóng vì những phát ngôn của mình, ông đều chịu trận một mình, không bao giờ có phản ứng gay gắt hay trách cứ ai. Điều gì khiến ông xử sự như vậy?
Thật sự thì có những sự việc mà tôi không ngờ đến, nhưng rồi sau đó vẫn phải bình tĩnh để đối mặt và vượt qua. Ví dụ như, khi có những tờ báo còn tổng hợp lại những câu nói của tôi và đặt tiêu đề: “Những phát ngôn gây sốc của ông Phan Đăng Long”. Một số người quen, người bạn của tôi cũng không hiểu và “hùa” theo dư luận phê phán tôi. Nhưng cũng có những người luôn ở bên cạnh để chia sẻ. Thậm chí, sau mỗi sự việc không hay xảy ra với tôi, rất nhiều anh em báo chí đến gặp, gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm, động viên, chia sẻ. Tôi thấy rất ấm áp và coi đó là một động lực để tiếp tục hoàn thành tốt công việc.
Giữa sóng gió của dư luận, tôi luôn chọn cách im lặng vì cái chung, tôi không muốn phản ứng rồi lại khiến bức xúc của nhân dân thêm “nóng” lên. Tôi luôn tin mọi người sẽ hiểu.
Giờ đây, khi không còn là người phát ngôn của Thành ủy Hà Nội, ông có cảm thấy nuối tiếc? Nếu có cơ hội làm lại, ông có nghĩ rằng mình sẽ chọn cách xử sự khác trước đây?
Nếu cho tôi cơ hội được làm lại, thì có lẽ tôi vẫn sẽ lại chọn cách như tôi đã từng làm, vì xét cho cùng, tôi muốn sống với đúng tính cách và bản chất con người mình.
Xin cảm ơn ông!

 Hoài Thu thực hiện 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thấy gì từ nạn bạo lực học đường ở Việt Nam?

Chuyện lạ như thật?

Xin một lần trả hết nợ tình nhau