Nghi án Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn và cộng sự đạo văn



Quý IV - 2014, Nxb Văn hóa Văn Nghệ xuất bản cuốn sách "Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" do Trần Đức Anh Sơn làm chủ biên. Sách dày 475 trang khổ 16 x 24 cm, bìa cứng, có áo bìa, giấy đẹp, in rất lịch sự trang nhã. Sách được in số lượng 2.000 bản.

Bìa sách ghi Trần Đức Anh Sơn (chủ biên), bên trong trang bìa lót có ghi: "Với sự hợp tác của Võ Văn Hoàng, Nguyễn Nhã, Trần Văn Quyến, Trần Thắng". Nội dung cuốn sách đã được giới thiệu tại đây. Đáng lẽ phải ghi "Nhóm biên soạn
Võ Văn Hoàng, Nguyễn Nhã, Trần Văn Quyến, Trần Thắng" thì mới là đàng hoàng. 

Như vậy, đây là cuốn sách của tập thể tác giả. Nhưng ở ngay bìa 2 của áo bìa chỉ in ảnh và tiểu sử của Trần Đức Anh Sơn (còn tiểu sử các tác giả/soạn giả khác thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện trong suốt cuốn sách). Tiểu sử Trần Đức Anh Sơn:

"Trần Đức Anh Sơn sinh 1967. Tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học,  trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1989. Tốt nghiệp tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, trường Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2002. 

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Nguyên trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam). Hiện là phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.

Đã xuất bản:



* Phong vị xứ Huế (với Lê Hòa Chi) (song ngữ Anh - Việt), Nxb Thuận Hóa, 1991; 

tái bản: 1995, 1997, 2003.
* Cố đô Huế. Đẹp và Thơ (Viết chung), Nxb Thuận Hóa, 1992; tái bản: 1993, 1996, 1998, 2001, 2002.
* Đồ sứ men lam Huế. Những trao đổi học thuật (Chủ biên), Nxb Thuận Hóa, 1997.
* Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế xuất bản, 1997.
* Huế - Triều Nguyễn. Một cái nhìn, Nxb Thuận Hóa, 2004; Nxb VHTT tái bản, 2008.
* Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (song ngữ Việt - Anh), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
* Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008; 

Nxb VHTT tái bản năm 2011.
* Rong ruổi thực lục, Nxb Lao động, 2008; Nxb Văn hóa Văn nghệ tái bản, 2013.
* Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2014.
* Hoàng Sa - Trường Sa. Tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế (Chủ biên), Nxb Hội nhà văn, 2014."
(Hết bìa 2)

Là những người quen biết TS Trần Đức Anh Sơn (ảnh bên) đã lâu, vẫn dõi theo mỗi bước đường khoa học của anh, chúng tôi nhận thấy Trần Đức Anh Sơn là một nhà trí thức có hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn, yêu Huế rất thực lòng, thẳng thắn trong mỗi phản biện xã hội và chuyên môn, viết khảo cứu cũng như viết báo khá hấp dẫn. Trong 10 đầu sách mà anh là tác giả, soạn giả, người biên tập và chủ biên đều được công chúng và học giới đón nhận trân trọng. (Chỉ trừ cuốn sách "Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế", Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế xuất bản, 1997 đã gây nên sóng gió dư luận trong học giới ở Cố Đô Huế khiến Trần Đức Anh Sơn sau đó phải lặng lẽ một thời gian khá dài).

Nhưng đến cuốn sách này, Trần Đức Anh Sơn và nhóm biên soạn đã mắc những lỗi trầm trọng mà một nhà biên khảo có trách nhiệm và có tự trọng không bao giờ mắc phải. 

Đầu tiên, phải kể đến phát hiện của TS Nguyễn Tô Lan khi đặt dấu hỏi về thông tin trong trang 332 của cuốn sách: "Không biết tự bao giờ sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có kí hiệu bắt đầu bằng HV nhỉ?"

Xin xem chú thích 2 ở trong ảnh chụp dưới đây. Vì ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm sách cổ có ký hiệu HV chỉ có từ số 1 đến 96. Và trong 96 cuốn/bộ đó không có Đại Việt sử ký tục biên. Ký hiệu sách HV.119 là của Viện Sử học.
.

 
Khi cô Tô Lan đưa thắc mắc đó lên FB thì TS. Trần Đức Anh Sơn đã comments trả lời, như sau:


Đọc xong, chúng tôi không nhịn được cười, buộc phải trả lời TS Trần Đức Anh Sơn như sau:


Tiếp sau đó, mấy anh chị em trẻ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới tiếp tục khảo sách của Trần Đức Anh Sơn (chủ biên) thì phát hiện ra rất nhiều lỗi. Chúng tôi xin trích một đoạn trong Tiểu kết phần 1 của bài công bố kết quả khảo sát: 
"Tiểu kết cho phần này, chúng tôi đưa ra các nhận định như sau, sách “Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” do TS Trần Đức Anh Sơn chủ biên chủ yếu tham khảo sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở chương 1 “Thư tịch cổ Việt Nam chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” trong phần thứ hai “Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”. 

Cụ thể là tiếp thu tham khảo tư liệu và bản dịch của Toản tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư A.588, Thiên Nam lộ đồ A.1081 (nhóm TĐAS ghi nhầm thành VHv.1081) [Trần Đức Anh Sơn 2014: 75-76], Đại Việt sử ký tục biên HV.119 (nhóm TĐAS ghi nhầm thành sách “lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm” trong khi sách của VNCHN ghi rõ là ký hiệu này của Viện sử học) [Trần Đức Anh Sơn 2014: 81-82 ], Giao Châu dư địa đồ A.2716 [Trần Đức Anh Sơn 2014: 84-85], ... . Trong số hơn 80 lỗi sai của sách này thì có đến trên dưới 30 lỗi sai giống sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm".

Tóm lại, sẽ có một bài khảo cứu rất nghiêm túc về cuốn sách do Trần Đức Anh Sơn chủ biên. Nhưng có thể quy về các nhóm lỗi sau:

1. Ăn cắp bản dịch của các học giả/ dịch giả đã công bố. Có khoảng 10 bộ sách, tài liệu cổ... đã có bản dịch được công bố, được Trần Đức Anh Sơn sử dụng nhưng không ghi nguồn dẫn rõ ràng. Nếu độc giả là nhà chuyên môn nhưng không quan tâm sâu đến Hoàng Sa - Trường Sa trong thư tịch cổ, thì sẽ thấy nhiều phần trong công trình này như là những phát hiện đầu tiên của tác giả.

2. Không ghi nguồn trích dẫn, hoặc dẫn nguồn mù mờ. Kỹ năng biên soạn gieo vào lòng người đọc về sự không nghiêm túc, chụp giựt, không ghi công người phát hiện, tìm tòi, dịch thuật, khảo cứu. Một công trình khảo cứu không bao giờ được phép làm như vậy!

3. Đạo ảnh tư liệu. Không ghi hoặc giấu nguồn cung cấp ảnh tư liệu.

4. Lỗi dịch thuật (dịch sai, đọc nhầm chữ Hán Nôm).

Đây là một cuốn sách được biên soạn có chiến lược, có đầu tư của nhà nước mà cẩu thả, vi phạm các nguyên tắc của việc biên soạn sách biên khảo, vì thế, chúng tôi cảnh báo các nhà khảo cứu, biên soạn khi trích dẫn, sử dụng cuốn sách "Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" do Trần Đức Anh Sơn làm chủ biên, Nxb Văn hóa Văn Nghệ xuất bản Quý IV - 2014, hết sức chú ý và thận trọng. 

Nhóm các nhà nghiên cứu trẻ 
hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm


[xuandienhannom]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn