Nên bỏ hết các nhà tù, giam tại gia những kẻ phạm tội


TRẦN ĐĂNG KHOA
Đề xuất động trời này, không phải của tôi, kẻ đã già nua, lẫn cẫn, mà là sáng kiến của một cựu chiến binh, người đã từng vào sinh ra tử trong những năm chiến tranh khốc liệt.
Còn nhớ, khi mới mở chuyên mục “Chuyện thường ngày…”này, tôi đã đề cập đến một loạt những chuyện “chướng ta, gai mắt” khi một loạt công trình, cầu cống, cả những cung đường đẹp như mơ, chưa kịp bàn giao đã sụt lún, hư hỏng, ông bạn cựu chiến binh bảo tôi: “Tham nhũng đấy. Tất cả mọi tệ nạn nhức nhối ấy đều từ tham nhũng mà ra cả. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp. Lớn ăn cắp lớn. Bé ăn cắp bé. Quan lớn đã không nghiêm thì quan bé làm sao tử tế được. Có cậu còn trắng trợn bảo tôi: Các bác đừng có nhặng xị cuội. Nó rút ruột công trình nhưng công trình không đổ được đâu. Nó tính kỹ hết rồi. Nếu công trình phải cần mười tấn thép thì nó phải tăng lên hai mươi tấn, như có gã tăng thêm hàng chục triệu đô so với giá thật của cái ụ nổi, rồi rút tiền chênh lệch ra, chẳng phải bỏ túi đâu, nhiều gã ra hầu tòa rồi vào nhà tù bóc lịch hay ra dựa cột mà có khi bản thân họ, hay vợ con, gia đình họ vẫn nghèo kiết xác như Lã Thị Kim Oanh, nó rút ruột công trình để hoàn lại vốn mà nó đã chạy quyền, chạy chức, chạy dự án. Nhưng thói đời, hổ đã vồ được con lợn thì mèo cũng vơ ngay con cá. Thằng chủ thầu đã rút ruột công trình thì thằng quản đốc cũng rút được. Rồi thằng công nhân cuối cùng thực thi cũng lại “rút” nữa chứ. Nó tha à? Rốt cuộc, công trình vẫn không bảo đảm chất lượng và hậu quả đau lòng thì liên tiếp xảy ra như báo chí đã nêu. Muốn khắc phục được ư? Chỉ có bằng cách giám sát thật chặt chẽ. Và phải giám sát độc lập. Làng tôi xây mỗi cái cống con cũng thất thoát. Mà chưa được một năm, cống đã hỏng. Ông xã trúng thầu. Ông xã lại giám sát. Thế thì tránh sao được nạn trộm cắp. Bởi thế. khi làm con đường lớn của làng, cánh cựu chiến binh chúng tôi tình nguyện làm giám sát viên. Mà làm không lương. Cũng chẳng vất vả gì. Cũng không cần phải có trình độ cao siêu. Mỗi người trực một hôm. Phân công cụ thể như thế. Rất nhàn. Chúng tôi không quan tâm số tiền đầu tư bao nhiêu, chi vào những khoản gì? Đấy là việc của các anh, chúng tôi không hỏi, cũng không tò mò. Chúng tôi chỉ nắm mỗi cái thiết kế. Đường dài bao nhiêu? Bê tông đổ dày bao nhiêu? Có mấy cái cống? Sắt loại gì? Phi bao nhiêu? Xi măng mark gì? Bao nhiêu tấn? Chúng tôi chỉ làm mỗi việc đếm rồi ghi lại. Rồi xem người ta làm có đúng như người ta nói không. Thế thôi. Cứ như đi chơi. Thế mà đâu vào đấy. Dân hỉ hả. Con đường mấy chục năm vẫn chắc khừ, búa đập cũng không vỡ! Chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Còn nếu muốn làm thật thì cứ giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm đấy!”
Thật thẳng thắn và bộc trực. Câu chuyện đó, tôi đã đưa lên mặt báo. Lâu rồi. Tôi đã quên. Nhiều người đọc chắc cũng đã quên. Ai ngờ vào dịp rằm tháng giêng này, ông già cựu binh ấy lại đến tìm tôi. Câu chuyện cũng chẳng có gì ngoài những lời bàn luận quanh bàn trà.
- Phải công nhận đời sống bây giờ rất khá, cậu ạ. Nhưng đạo đức xã hội thì lại xuống cấp đến mức cần phải báo động - Ông già bắt đầu câu chuyện. - Ngày xưa làm gì có chuyện học sinh đâm chết cô giáo ngay trên bục giảng. Rồi thì bố hiếp con. Thày giáo mua dâm học trò. Con cái đuổi bố mẹ ốm ra đường trong những ngày tết nhất. Khiếp! Đọc báo mà cứ ù cả đầu. Rồi trấn lột, buôn bán ma tuý. Bắn bao nhiêu đứa rồi mà tội phạm vẫn cứ tăng lên. Vụ án sau lại to hơn vụ án trước. Còn trộm cắp thì như rươi. Thời hiện đại nên kẻ trộm bây giờ cũng rất hiện đại.
Nói rồi, ông già cười sùng sục. Cứ như lời ông kể thì bọn trộm cướp bây giờ còn được trang bị cả bằng thành tựu của khoa học tối tân. Chúng có thể xịt ê-te vào nhà cho mình thỉu đi, rồi cứ điềm nhiên khuân đồ đạc, của nả. Nhiều khi nó còn vồ cả lợn. Mà có vồ thôi đâu. Nó chọc tiết lợn ngay tại cửa chuồng. Hôm vừa rồi ông lại còn có chuyện cười ra nước mắt. Ông lão hàng xóm có con lợn lai kinh tế. Con lợn to lù lù như một con bê. Tin ấy bay đến tai một tên trộm lợn. Thế là nửa đêm, con giời mò tới, xịt ê-te vào chuồng lợn, xịt mạnh đến nỗi chính hắn cũng đê mê. Rồi hắn thấy mình chạy băng băng qua những vạt ruộng đang cày ải, vai vác con lợn. Con lợn to hàng tạ mà lại nhẹ bẫng. Nhẹ như một quả bí đao. Hắn vứt oạch con lợn vào bếp, rồi ngả ra giường, vùi mình vào đống chăn nệm ấm sực. Chao ôi sướng! Đời một tên trộm ai ngờ cũng có lúc lên tiên.
Sáng sớm hôm sau, chủ nhà bê cám ra chuồng lợn thì thấy có những... hai con lợn đang nằm ở trong chuồng. Hoá ra chả có chăn nệm nào cả. Chúng nằm vắt lên nhau trên đống phân rác nhầy nhụa. Cả hai cùng ngáy như sấm. Tất nhiên con lợn giả người đã bị tóm gọn. Người ta dẫn giải lên ủy ban rồi, con lợn giả ấy vẫn còn chưa tỉnh. Ông già cười:
- Chẳng biết cậu nghĩ thế nào chứ cứ như tôi, cái bọn súc sinh ấy, chẳng giam nhốt làm gì. Cơm gạo đâu mà nuôi bọn chúng. Ta cứ giải tán hết nhà tù đi. Một đất nước thanh bình lại có lắm nhà tù chưa phải đã hay, mà thiên hạ thối mồm với bọn chống phá nó lại bảo mình vi phạm nhân quyền. Tiền xây nhà tù, trả lương quản giáo, nuôi tội phạm, để dành xây trường học, bệnh viện, cũng tiết kiệm được đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tốt nhất là cứ giam bọn tội phạm tại gia. Hình như bên Trung Quốc người ta làm thế đấy. Một cách làm hay như vậy tại sao mình không tham khảo họ nhỉ?
- Mỗi nước có một cách xử lý riêng với bọn tội phạm chứ cụ. Vả lại, chuyện giam tại gia ấy, hôm nay tôi mới nghe cụ nói đấy.
- Còn tôi thì lại nghe dân đồn. Xem ra, dân mình có vẻ khoái cái trò giam tại gia. Nếu bên Trung Quốc không có chuyện ấy thì biết đâu đó lại là nguyện vọng của dân, sáng kiến của dân. Nguyện vọng, sáng kiến đã thành lời đồn thổi. Kẻ nào mắc tội, cứ nhốt vào cũi giam ngay tại nhà. Gia đình phải nuôi nấng phục dịch. Cũi cứ để chềnh ềnh giữa nhà hay giữa phòng khách. Thế thì đứa nào không khiếp. Tiền đóng cũi gia đình phải chịu. Công an chỉ đánh dấu niêm phong, rồi bất thình lình qua kiểm tra. Ai vi phạm qui định thì phạt thêm nữa. Nếu kẻ tội phạm có bố mẹ là những vị có chức có quyền thì ngay lập tức các vị quyền chức ấy phải bay khỏi chức vụ...
- Ấy chết! - Tôi kêu lên. - Ai có tội thì người đó phải chịu chứ cụ. Sao lại bắt người khác chịu thay...
- Thế chả nhẽ bố mẹ không phải chịu trách nhiệm gì về những hành vi bậy bạ của con cái sao?- Ông già bỗng sừng sộ. - Nhiều kẻ chỉ ỷ vào bố mẹ hoặc có thế lực hoặc có rất nhiều tiền bạc để rồi làm những chuyện xằng bậy, càn quấy, chứ con cái nhà nghèo như con tôi, con cậu, làm sao chúng dám bậy bạ. Một người đã không dạy nổi con mình thì cũng đừng nghĩ rằng họ có thể lãnh đạo được một cơ quan, một nhà máy hay một xã hội. Tôi chẳng bao giờ tin những anh như thế. Hay gần đây là chuyện tệ nạn giao thông. Mới mấy ngày tết mà có 317 người chết, 509 người bị thương nặng, phải nằm liệt giường, thành gánh nặng cho xã hội. Không thể xem đó là chuyện bình thường. Mà những chiếc xe hung thần đâu phải kém chất lượng. Đều xe sang cả. Nhiều kẻ say rượu vẫn điều khiển xe. Thế thì sao thoát khỏi cảnh tang thương, người vô tội chết như ngả rạ, rồi những chiếc xe sang nằm chỏng gọng dưới mương, cống. Đã có ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện giao thông của những kẻ điều khiển xe khi kiểm tra có hơi rượu. Không phải chỉ tịch thu phương tiện, còn phạt thêm cả một khoản tiền lớn nữa. Nếu là công nhân viên chức nhà nước thì ngoài tịch thu phương tiện, phạt tiền, còn đuổi việc. Ở ta nhiều vụ việc cứ lình sình là vì pháp luật không nghiêm. Cứ phạt nặng như thế là đâu vào đấy hết cậu ạ…





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn