Đừng bưng bít sự kiện ngày 14.03.1988





k
ính thưa quý thính giả, ngày thứ sáu,14 tháng 3 sắp tới là ngày giỗ lần thứ 26 của 64 chiến sĩ quân đội Nhân Dân Việt Nam đã hy sinh trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Trong mấy tháng đầu năm  1988 Trung Quốc đã lấn chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị CSVN bưng bít, dấu diếm suốt hơn 20 năm. Cho đến năm 2009, truyền hình Trung Quốc  tung ra một đoạn video hình ảnh các tàu hải quân Trung Quốc tấn công 3 tàu vận tải và  tàn sát mấy chục người lính công binh Việt Nam làm đang làm nhiệm vụ xây dựng dưới biển, thì một số người mới biết về trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988 trong chiến dịch CQ 88  (tức chủ quyền 88) của VN, và 64 chiến sĩ VN đã hy sinh trong trận chiến này.
Nhân tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong trận chiến Gác Ma, trong mục bình luận hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết nhan đề “Đừng bưng bít sự kiện ngày 14/3/1988” của blogger Mai Thanh Hải sau khi tác giả xem đoạn video trên.
****************
GacMa-1988 400x300-2Sự kiện tàu vận tải và bộ đội Hải quân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công ngày 14-3-1988, sau hơn 21 năm, rút cục cũng được đưa lên mạng internet khiến cư dân mạng phẫn nộ.
Xem đoạn băng, tôi như hóa đá trước cảnh lính Trung Quốc làm cái gọi là “lế tuyên thệ”, sau đó đội mũ sắt, mặc áo phao, lên xuống máy phóng ào ào vào đảo chìm Gạc Ma tấn công bộ đội ta.
Tôi không thể khóc nổi khi thấy rõ mồn một trên đoạn băng cảnh hàng mấy chục bộ đội ta đang dầm mình trong nước vận chuyển vật liệu xây dựng đảo, bỗng nháo nhào lao xống biển bởi đạn pháo của Trung Quốc ập xuống như mưa.
Tôi cứng tay khi thấy cảnh chiếc tàu vận tải cũ kỹ của ta, chỉ trong chốc lát đã bốc khói chìm xuống bởi pháo hạm của Trung Quốc bắn cấp tập và những thủy thủ của ta trên tàu rơi lõm bõm xuống mặt biển như thể sung rụng.
Tôi thấy đắng nghét trong cổ khi thấy trên băng hình cảnh 2 bộ đội ta bị lính Trung Quốc bắt làm tù binh và đưa lên tàu hải quân Trung Quốc để phóng viên báo chí Trung Quốc thoải mái quay phim chụp hình.
Tôi muốn khụy xuống khi thấy cảnh 2 bộ đội hải quân của ta mặc quần đùi, áo may ô, người bị trói tay, ngồi thu lu bên mạn tàu, mặt gầy sọm, ngơ ngác nhìn vào ống kính quay phim, người bị trói giật cánh khủy, đầu quấn băng trắng quanh vết thương vẫn ứa máu đỏ, mặt sưng lên vì bị đánh…
Sao lại như vậy?
Tôi không thể thông hiểu bằng nhiều người tự coi là thông hiểu. Nhưng ít nhất tôi cũng nói rành mạch sự kiện CQ-88 của Hải quân Việt Nam.
Tôi cũng biết được ngày giờ mà bộ đội ta bị tấn công, bị lính Trung Quốc bắn giết trong khi xây dựng đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988.
Tôi cũng biết được trong cái ngày uất hận đó, bao nhiêu người đã mất tích và tôi cũng biết họ sinh ra ở đâu, thuộc đơn vị nào trong quân chủng Hải quân QĐNDVN.
Tôi đã ra Trường Sa và cũng đã uất ức đến cuồng dại khi đến vùng biển đã xảy ra sự kiện 14-3-1988, làm lễ tưởng niệm những bộ đội ta đang nằm dưới đáy biển suốt mấy chục năm qua và ngay gần nơi chúng tôi tưởng niệm là đảo Gạc Ma hiện đã bị Trung Quốc chiếm mất từ ngày 14-3-1988, vẫn đang nhơn nhơn… Không thể tưởng tượng nổi: Trong 1 buổi tối gần đây, khi bàn về tình hình Trường Sa, tôi đã phát khùng khi 1 Đại tá thuộc QĐNDVN (công tác trong lĩnh vực chính trị quân sự) và 1 Tổng Biên tập của 1 tờ báo lớn đã khăng khăng khẳng định: “sự kiện ngày 14-3 là diễn ra năm…. 1987”. Thậm chí họ còn.. cá cược, giễu cợt với tôi…
Tại sao như vậy?
Tại chúng ta bưng bít thông tin và nhất là không có thông tin.
Ngay những lúc này đây, khi đoạn băng được tung lên mạng, nhiều người trẻ, tuy rất căm giận nhưng vẫn ngây thơ hỏi: “đảo Gạc Ma hiện do Trung Quốc chiếm hay vẫn do Việt Nam giữ?”.
Ngay cả những gia đình những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh, mất tích tại Gạc Ma-Cô Lin (Trường Sa), tôi chắc rằng rất ít gia đình biết chồng, con mình hy sinh trong trường hợp nào.
Là 1 nhà báo, tôi đã chứng kiến việc này ở ngay tỉnh Quảng Bình và bà mẹ người Liệt sĩ năm nay đã gần 80 tuổi vẫn đang mong ngóng con công tác ở Trường Sa, nhanh nhanh về… cưới vợ. Các chị của Liệt sĩ, tuy giấu mẹ việc em mình không bao giờ trở về, nhưng cũng chỉ biết em mình hi sinh ở Trường Sa chứ không biết em mình đã chết vì đạn AK của lính Trung Quốc, trong lúc trên người chỉ có 1 chiếc quần đùi và đang vác xi măng từ tàu vận tải vào đảo và khi chết, chắc trong bụng vẫn sôi ùng ục, chưa có 1 hạt cơm, miếng canh… Tôi biết được bởi mấy cán bộ xã đi cùng tôi đã thành thật giải thích hoàn cảnh của người mẹ Liệt sĩ, mong sao cho mẹ nhận đủ số tiền mấy trăm nghìn tiền hỗ trợ hộ chính sách trước Tết. Họ cũng chỉ mang máng: “Liệt sĩ hi sinh ngày 14-3-1988”. May mà khi tìm lại tài liệu về CQ-88, tôi đã tìm được danh sách 74 bộ đội ta hi sinh, mất tích ngày 14-3-1988, đăng trên trang báo Nhân dân đã vàng ố, cũ mèm từ Thư viện quốc gia…
Hôm nay thì ta đã có thông tin. Ta đã có hình ảnh, băng hình ghi nhận một phần sự thật về cái chết của những người lính Hải quân Việt Nam. Những thông tin này nói lên tất cả, giá trị gấp vạn lần những trang viết, lời kể. Sự thật luôn nghiệt ngã, nhưng ít nhất với tôi, cũng thầm cảm ơn người phóng viên Trung Quốc đi trên tàu tấn công của Trung Quốc đã ghi lại những thước phim giá trị và đã công bố cho chúng ta.
Xem những thước phim này, liệu những người “có trách nhiệm” còn ảo tưởng về những điều không có thật và còn khư khư bưng bít, chặn họng. Liệu vị Đại tá QĐNDVN và vị Tổng Biên tập báo nọ còn à uôm, không nhớ và không biết chính xác về một ngày uất hận, một ngày có bao nhiêu gia đình làm giỗ hay không?..
ĐỪNG BƯNG BÍT THÔNG TIN, ĐỪNG CHE GIẤU SỰ THẬT, NHẤT LÀ TRONG SỰ THẬT ĐÓ CÓ MÁU CỦA RẤT NHIỀU CON NGƯỜI… 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn