Viết về ngày 20-11 của tuổi học trò


Mỗi năm, cứ đến ngày 20-11 dường như mọi người lại nghĩ về những thầy cô giáo của mình. Kỷ niệm ngủ quên ở đâu đó, chỉ cần chờ đến ngày là khơi lên, gợi nhớ. Tôi cũng vậy. Dù đã rất nhiều năm bươn trải với cuộc sống nhưng cứ đến ngày này, lòng tôi lại mênh mang nhiều cảm xúc. Nhớ về nhưng nói làm sao cho hết về những tình cảm, những kỷ niệm đối với bạn bè, thầy cô…
hoa phượngTuổi học trò là một quãng đẹp với tất cả mọi người. Ảnh: internet
Tôi nhớ, năm học lớp 1. Lần đầu tiên tôi được mẹ chuẩn bị một món quà đến chúc mừng cô giáo là một chiếc khăn tắm loại trung (nhưng lúc đó ở quê tôi, nó là cái loại lớn). Mẹ gói vào một tờ giấy báo rồi dẫn tôi tới nhà cô giáo. Mẹ dặn dò lại để tôi nhớ những lời chúc rồi để tôi vào một mình, mẹ đứng ngoài chờ. Tuy nhiên khi đến tới ngõ nhà cô thì tôi lại không dám vào và nhất định đứng ngoài, kể cả lúc mẹ nói sẽ vào cùng tôi. Trong ký ức, tôi thấy mình lúc đó thật khó tả khi cầm món quà trên tay. Tôi ngượng ngùng khi nghĩ đến những câu chúc mẹ đã dặn từ lúc ở nhà, bây giờ không biết nói làm sao. Đến khi chó nhà cô sủa inh ỏi ngoài ngõ, cô ra dẫn vào nhà thì tôi mới vào.
Lên các lớp lớn hơn, chúng tôi thường góp tiền vào để mua quà tặng thầy cô khi đến ngày 20-11.  Hồi ấy, quà tặng thầy cô đơn giản chỉ là một bình hoa nhựa, một chiếc khăn tay, chiếc chậu nhựa nhỏ hay cuốn sổ và cây bút viết. Nếu “sang” hơn thì có thể là một mảnh vải đề thầy cô may áo quần. Chúng tôi đi bộ tới nhà thầy cô mình rồi rụt rè ngồi ở một góc bàn. Khi thầy cô hỏi chuyện cũng lí nhí trả lời rồi ra về. Vậy nhưng khi ra khỏi nhà thầy thì đứa nào cũng hớn hở cười vui và lại đuổi nhau ríu rít như đàn chim sẻ trên cành. Chúng tôi cười vui vì đứa nào cũng cảm thấy mình vừa hoàn thành một công việc trọng đại.
Lớn lên một chút nữa khi chúng tôi có nhiều thầy cô dạy các môn khác nhau thì chia nhóm ra để đại diện tới chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Chúng tôi vui sướng vì được nghỉ học, rộn ràng tập trung, nhận “trách nhiệm” tới thăm từng thầy cô… Dù lúc ấy, các món quà cũng tươm tất hơn, có giá trị hơn, đẹp hơn lúc trước nhưng vẫn mang nguyên ý nghĩa tri ân và chúc mừng. Sau khi đi thăm thầy cô, cả đám bạn lại có dịp trò chuyện, tâm tình cho nhau nghe những mơ ước khi ngày mai tới.
Rồi chúng tôi lớn lên, bay đi khắp phương trời. Ngày 20-11, tôi không tới nhà thầy cô để chúc mừng nữa mà chúc mừng ngay trên lớp học. Rồi cũng hết thời sinh viên, đi làm, lại miệt mài với bao khóa học, trường lớp khác. Cùng với những nỗi lo về cuộc sống, tôi ít gửi những lời chúc, những bức thiệp… tới thầy cô của mình như thuở còn nhỏ… Vậy nhưng khi biết sắp đến ngày này, tôi luôn trở về những ký ức xa xưa. Tôi nghĩ đến những người thầy, những cô giáo ngày xưa của mình. Những người nghiêm khắc, những người dịu hiền, những người đã đi xa, những người tôi chỉ thoáng gặp lại, và cả những người tôi chưa từng một lần chợt nhớ trong cuộc sống rất nhiều lo toan của mình.
Tôi bỗng nhớ lời ru của mẹ ngày nào: “Sang sông nhớ bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Một ngày 20-11 nữa lại đến. Tôi chúc chúc cho tất cả những người đã, đang và sẽ muốn làm công việc cao quý này luôn có đủ sức mạnh, tình yêu để nuôi lớn lên những trái tim của những đứa học trò như tôi ngày xưa ấy.
[Hoài Anh]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn