Trò chơi mùa hạ

Buổi sớm mùa hạ, nắng bao giờ cũng nhanh nhảu hơn cả, mới chừng hơn 5 giờ sáng nhưng nắng đã chiếu lên bức tường nhà những vệt đen dài cùng những tia vàng óng ánh.
Đó là bóng của rặng xoan trồng trước cổng, đã hết mùa trổ hoa, nay đứng uy nghi sừng sững tỏa ra những tán lá dầy che bóng mát cho tụi trẻ chơi đồ hàng vào mỗi buổi trưa hè.
Trò chơi mùa hạTuổi thơ trong sáng đáng yêu. Ảnh: internet
Cánh cổng được đan bằng một phên tre có dây buộc cố định bên mép trái để mỗi khi nhấc cánh cửa lên và mở ra không bị đổ xuống nền sân gạch. Cái sân gạch lỗ chỗ những hình tròn giữa những viên gạch màu đỏ, chẳng biết tự bao giờ, những khóe tròn ấy được lũ trẻ tận dụng để chơi bắn bi – trò trơi mà bất kể đứa trẻ trai nào cũng từng biết tới. Những đứa con gái thì khác, chúng vẽ theo những đường gân trát vữa trên nền gạch thành một hình chữ nhật có 10 ô vuông chia đều ở giữa, ở hai đầu hai bên vẽ thêm một hình bán nguyệt, sau đó đi nhặt những viên sỏi nhỏ chừng đầu ngón tay cái và hai viên to gọi là "quan”, mang về chơi trò ô ăn quan. Vẫn những viên sỏi ấy, có khi lại để chơi đánh chắt, khi trò chơi kết thúc, đứa nào có trong tay nhiều sỏi hơn sẽ được mặc định là người thắng cuộc…
Trò chơi tuổi nhỏ có khi diễn ra trên đồng, ở bãi đất trống vào mỗi buổi chiều mát, khi ánh nắng đã bớt gay gắt, trâu bò đã no nê. Lũ con trai thường chơi đá bóng. Quả bóng được bện từ cỏ và rơm khô, cuối cùng bọc bên ngoài bằng những mảnh lưới dù, đá rất nhẹ và có thể bay xa. Lũ con gái thì ngồi đánh chuyền, 10 que chuyền được vót tròn lẳn, thẳng tắp từ thân tre, kiếm thêm quả bưởi non là có đủ bộ để chơi cho hai người.
Trò chơi mùa hạNhững trò chơi vui nhộn, tính giải trí cao và thử thách sự nhanh nhạy của trẻ. Ảnh: internet
Các trò chơi mùa hạ rất đa dạng, chơi ném ống bơ, nhảy cò lò, trốn tìm, nhảy dây, bịt mắt bắt dê… đều là những trò chơi vui nhộn, tính giải trí cao và thử thách sự nhanh nhạy của trẻ. Nhưng khi nhắc đến các trò chơi mùa hạ, thật thiếu sót khi không nói đến trò chơi thả diều, đây là trò chơi truyền thống còn lưu giữ được đến ngày hôm nay. Làm một con diều mất rất nhiều công, người làm phải khéo léo để cân bằng giữa khung và hai bên cánh diều, điểm thêm cây sáo để khi diều lên cao, tiếng sáo càng vi vút, thanh tao mà vui tai, yên bình. Muốn chơi diều phải canh những ngày nhiều gió, gió cố định về một hướng, có vậy diều mới bay thật cao, thật xa. Người giàu trí tưởng tượng và khéo léo sẽ vẽ lên cánh diều những hình thù đẹp mắt, kì lạ để dễ phân biệt với những chiếc diều khác. Cánh diều tuổi thơ đã đi vào thơ ca, hò vè và tiềm thức của biết bao thế hệ thanh, thiếu niên ngày ấy và cả bây giờ.
Sau những giờ học căng thẳng trên lớp hay một buổi lao động trên đồng, trò chơi giống như một hoạt động ngoại khóa khiến lũ trẻ vô tư hơn, những tiếng cười hồn nhiên khiến bao mệt mỏi cũng tan biến. Dường như, chính những trò chơi tuổi nhỏ ấy giúp mỗi người chúng ta trưởng thành hơn trong sự hồn nhiên, lành mạnh và ngọt ngào của thế giới tuổi thơ.
[ Xaluan]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn