Còn chút gì để nhớ


Đứng từ khung cửa rộng tôi có thể nhìn qua được cánh rừng xanh đậm màu của lá đang ôm lấy những ngôi nhà trắng nằm nghiêng nghiêng bên con sông lớn. Sông rộng và nước trong vắt một bên là màu cỏ lá, một bên soi cả mây trời xanh ngắt chạy ngun ngút về phía cuối trời.


Tôi thường ngồi nơi khung cửa sổ này và ngắm chiều rơi qua rặng cây bên kia sông. Ảnh: internet
Tôi thường ngồi nơi khung cửa sổ này và ngắm chiều rơi qua rặng cây cao bên kia sông ấy rồi suy nghĩ mông lung. Chiều êm ả trôi, đôi khi có gió thổi qua miên man một chút thì nắng lại óng ả vàng thêm một chút bởi làn sóng nước lăn tăn phản chiếu dưới sông rọi lên. Tôi yêu biết bao những buổi chiều như thế. Dường như bao nhiêu bộn bề trắc trở của nếp sống thành thị đã được bỏ lại ở phía bên cánh rừng kia, rồi khi bước qua được màu xanh của lá đó là một yên tĩnh êm ả tuyệt vời.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến nơi này và nhìn qua con đường dốc xa xa đổ về phía phố gợi cho tôi nhớ về một thành phố có nhiều thông xanh của ngày xưa dù rằng ở nơi đây hoang dã hơn, rộng lớn hơn. Có thể tôi yêu vùng đất này qua một hình ảnh quen về một nơi chốn cũ mà tôi đã từng đi qua. Có điều gì giông giống, man mác, luôn gợi nhớ như một người vội vã yêu một người mới quen vì vừa bắt gặp đâu đó một vài hình ảnh quen thuộc của người xưa yêu dấu.
Tôi vẫn thường gọi Đà Lạt là “phố núi”, một cái tên lấy ra từ bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định khi viết về thành phố Pleiku. Đó là một bài thơ đẹp từ ngôn từ đến cấu trúc mà những người yêu thơ khi đã biết đến đều thuộc nằm lòng. Đến năm 1972 khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ thành nhạc thì “Phố núi cao phố núi đầy sương” lại trở thành một nỗi lòng “để nhớ để quên” cho người thương mãi về một cái đẹp mong manh “má đỏ môi hồng” của những người con gái nơi phố núi.
 
Nhớ Đà Lạt những buổi chiều gió xuân hây hây. Ảnh: internet
Tôi chưa bao giờ đến Pleiku nhưng mỗi khi đến Đà Lạt câu thơ của Vũ Hữu Định luôn bàng bạc theo bước chân tôi dong ruỗì trên những con đường đất quanh co hai bên là quỳ vàng rực rỡ trong nắng. Đà Lạt đẹp dịu dàng như một thiếu nữ xuân thì để người đi xa đều phải nhớ. Tôi nhớ lắm những chiều Đà Lạt cùng bạn đi trên phố mưa rơi lất phất. Cứ dốc lên rồi lại dốc xuống, giầy gót cao đi mãi vẫn không biết mỏi chân. Đôi khi lại dừng chân bên một bờ tường để hái đóa hoa dại mọc nhô ra ở kẽ đá mốc rêu. Con gái Sài Gòn nào mà chẳng thấy lòng mình yếu mềm trước cỏ cây hoa lá nụ ấp nụ xoè nở bung biêng trên khắp đường phố Đà Lạt. Nhớ hoài cảm giác đến nghẹn thở khi đứng trước một bình hoa đầy cúc trắng trong căn nhà bằng gỗ mà chủ nhà mới hái từ ngoài vườn đem vào. Mùi hương hoa thơm dìu dịu tỏa khắp gian phòng. Ngọt từ tách trà nóng trên tay đến mùi cỏ ngai ngái dưới chân. Chợt hiểu vì sao người Đà Lạt của ngày xưa ấy hiền lành đến thế.
Đi trở về trung tâm phố chợ. Đà Lạt nhộn nhịp hơn trong mắt người du khách. Hoa quả, rau trái đủ màu sắc vẫn còn lấp lánh giọt sương mai tươi róí. Tôi thích lang thang bên ngoài nhà lồng chợ để ngắm nhìn từng hàng rau quả bầy dài hai bên đường. Mọi người đi lại, mua bán nhẹ nhàng như đặt quà trao đổi vào tay nhau. Không có lời cãi cọ, tiếng nói chanh chua thường thấy ở các nơi buôn bán của phố thị. Đọc đến đây thế nào bạn cũng bảo, ký ức là của ngày xưa đừng thương nhớ quá để mà thất vọng vì Đà Lạt ngày nay đã bị đô thị hoá nhiều rồi. Tôi biết và chấp nhận sự đổi thay là một điều tất yếu trong sự phát triển của xã hội. Nhớ về phố núi ngày xưa để biết rằng có một thời từ thiên nhiên đến con người cùng có chung một đời sống dịu dàng như thế, đôi khi cũng như một cách để nhắc nhở chính mình đừng làm mất đi tình yêu dành cho cái đẹp của thiên nhiên cho cuộc đời vốn dĩ cũng đã rất mong manh.
Bởi thế, vào những chiều xuân gió hây hây, mưa bay bay như buổi chiều nay một góc núi rừng xa xa bên kia sông luôn gợi nên một nỗi nhớ tha thiết mà chiều sâu năm tháng đã vô tình vùi giấu. Cám ơn một buổi chiều đẹp, cảm ơn những giọt mưa sa, cảm ơn một góc trời lãng đãng ở một nơi xa để ta còn được thì thầm cùng gió, may mà có em đời còn dễ thương…
[Nguyên Tú My]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Muốn

Chuyện lạ như thật?