Cây chùm ruột


Nhà tôi tuy ở thành phố nhưng trong sân nhà lại có những loại cây to rất nhà quê như trứng cá, chùm ruột… Cây chùm ruột (hay còn gọi là cây tầm ruột) to lớn cành lá rậm rạp, đến mùa quả ra từng chùm lớn bám vào nhau lúc lỉu trên cành.


Trái chùm ruột nhỏ bằng đầu ngón tay có màu xanh nhạt. Ảnh: internet
Trái chùm ruột nhỏ bằng đầu ngón tay có màu xanh nhạt, khi chín sẽ đổi màu vàng xanh nhìn thật bắt mắt. Những trái chín thường rất ngọt, hàng xóm cạnh nhà tôi toàn con gái nên loại trái cây chua này luôn được chiếu cố tận tình. Bọn con gái chúng tôi hay đem chùm ruột dầm với nước mắm đường, tiêu ớt vừa ăn vừa hít hà, ngon bắt chết. Trái chùm ruột là hàng quà vặt dân dã, vừa với túi tiền của đám học trò nhà nghèo. Đầu cổng trường luôn có các bà, các chị với một cái thúng con con đầy chùm ruột ngâm nước đường cam thảo quyến rũ bọn con gái thích ăn chua (Trời, nhìn mấy cái miệng xinh xinh ăn chùm ruột còn quẹt thêm miếng mắm ruốc nữa tui đố mấy cây si nào dám đứng lâu). Đi về vùng quê miền Nam, có khách ghé thăm nhà bất chợt, chủ nhà cứ chạy ra vườn hái vài ngọn lá chùm ruột non ăn kèm với mắm lóc lúc nào cũng sẵn trong nhà. Nếu có thịt ba rọi trộn thêm vào, trời mưa lạnh lạnh ăn chén cơm nguội có trái ớt đưa cay thì không gì bằng.
Vào mùa Tết, trái chùm ruột được chế biến thành một món mứt thơm ngon. Chị tôi rất khéo tay, năm nào cũng rị mọ làm đủ các loại mứt. Cây nhà lá vườn có sẵn, mứt chùm ruột luôn là món không thể thiếu trên khay bánh mứt ngày Tết. Tôi còn nhỏ không biết làm gì nên được giao cho việc đứng canh chừng khay mứt trong bếp. Mỗi lần làm mứt xong, sau khi phơi nắng thì một khay chỉ còn lại… một nửa vì bàn tay bốc nhón của bọn con trai. Có lần mấy ông anh tôi phá, rủ nhau tắt đèn rồi nhào vô… khay mứt vừa làm xong. Nghịch phá cho vui nhưng đến lúc nhìn chị tôi khóc bù lu trong tối ba mươi Tết làm ai cũng ân hận và không bao giờ dám tái phạm nữa.
 
Bây giờ người ở nơi đây, còn cây chùm ruột năm xưa đâu rồi. Thơ ấu ơi! Ảnh: internet
Làm mứt chùm ruột rất công phu. Không biết thì thôi nhưng đã biết rồi thì khi nhón tay ăn một quả lại càng thấy thương cái tình của người nội trợ đảm đang. Giai đoạn kỳ công nhất là dùng kim châm đều lên từng trái chùm ruột để khi sên đường dễ ngấm hơn. Mứt chùm ruột có màu đỏ au, trong veo, khi ăn vẫn giữ được độ giòn là người phụ nữ đã khéo tay lắm đấy. Ngày Tết khách đến thăm nhà, mở khay mứt do người con gái tự làm đem ra mời khách cùng tách trà thơm thảo chẳng là tấm lòng quý mến lắm sao?
Tết nhất ngày nay chẳng cần kỳ công thế. Thời đại công nghiệp ít người muốn tiêu pha thời gian vào những công việc tỉ mỉ như thế nữa. Đến sát ngày Tết chỉ việc chạy ra các cửa hàng mua đại cặp bánh chưng cùng dăm ba thứ bánh mứt là cũng đủ cho mấy ngày Tết rất xênh xang rồi. Và lần nào cũng vậy, khi nhìn những hộp bánh mứt được gói trong các bao giấy kiếng lộng lẫy luôn làm tôi nhớ đến khay mứt Tết có những trái chùm ruột đỏ thắm của thưở nào.
Bây giờ người ở nơi đây, còn cây chùm ruột năm xưa đâu rồi. Thơ ấu ơi!
[Nguyên Tú My]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn