Tết Trong Ký Ức: Rộn Ràng Tiếng Pháo


Dù ký ức không còn rõ ràng, nhưng tiếng pháo đùng đoàng, rộn rã vào mỗi đêm giao thừa, mỗi sáng ngày mồng một Tết luôn làm tôi thấy bâng khuâng khi nhớ đến…
Vào trước Tết, nhà nào cũng chuẩn bị vài bánh pháo. Lũ trẻ chúng tôi nhìn thấy pháo thì thích mê. Có lẽ vì màu đỏ đặc trưng của nó nhắc chúng tôi rằng, những ngày Tết đang đến gần kề. Tết thì được mặc quần áo mới, được đi chơi mà không bị la rầy, được tiền mừng tuổi, được nghỉ học... Pháo tết thường được gói gém rất kỹ trong nhiều lớp giấy báo và túi ni-lon. Bố tôi giải thích, nếu không làm vậy thì pháo sẽ ẩm, không nổ được.
Rộn Ràng Tiếng Pháo
Tết trong ký ức rộn ràng tiếng pháo: Mỗi sáng ngày mồng một Tết luôn làm tôi thấy bâng khuâng khi nhớ đến tiếng pháo. Ảnh: internet
Đêm giao thừa, buổi tối bố tôi sẽ làm đuốc để lên chùa lấy lửa. Gần lúc sang canh, lễ Phật xong, mỗi người sẽ đốt cây đuốc đem theo để mang lửa về nhà. Người dân quê tôi quan niệm, mang lửa ở chùa về nhà là mang sự may mắn, phúc lành cho cả năm. Mẹ tôi ở nhà bày mâm cúng trời đất trước đó. Chỉ chờ bố tôi mang lửa về, mẹ sẽ đánh thức chị em tôi dậy để đón năm mới. Khi thời khắc năm mới chuyển giao sang, một bánh pháo được lấy ra, treo trước ngõ. Lửa dùng để đốt pháo chính là lửa ở chùa. Bố tôi sẽ là người châm lửa đốt pháo bằng một cây gậy dài. Cả nhà đứng xem pháo nổ ở một khoảng xa trong sân. Tiếng pháo giòn tan, nổ đoàng đoàng có lúc làm tôi giật mình. Nhưng ánh lửa lóe cháy trong đêm tối giúp cái khoảnh khắc ấy trở nên linh thiêng, xúc động một cách lạ kỳ. Ngay khi kim đồng hồ chuyển sang số 12, xung quanh nhà nào cũng đốt pháo. Cả vùng quê yên bình bỗng bừng dậy, rộn ràng trong những tiếng nổ râm ran. Bánh pháo nhà mình nổ xong, mọi người nghe tiếng pháo nổ để đoán xem nhà bên cạnh đốt loại pháo gì, dài hay ngắn. Thế là thời khắc năm mới đã bắt đầu…
Sáng ngày 1 Tết, khi đến mừng tuổi ông bà, mọi người trong gia đình tôi lại đốt pháo. Tiếng pháo lúc này như để chào mừng, đón mời ngày đầu tiên của năm mới đã sang. Ai nấy đều hân hoan, vui cười chúc nhau những điều may mắn, tốt lành. Pháo nổ xong, lũ trẻ trong nhà chạy ra sân tìm nhặt xác pháo. Nếu tìm thấy những quả còn chưa nổ, chúng tôi coi như là một phần thưởng may mắn đầu năm và chạy đi khoe ngay với người lớn. Sau đó thì giữ khư khư suốt cả ngày…
Rộn Ràng Tiếng Pháo
Tết trong ký ức rộn ràng tiếng pháo: Ngày nay người ta đã thay pháo hoa cho pháo nổ. Ảnh: internet
Những bánh pháo người lớn dùng để đốt với sự kiện chào mừng, vui vẻ thì trẻ con còn có những bánh pháo tép, mỗi quả nhỏ như chiếc tăm ghép lại. Pháo tép đốt lên nghe tiếng nổ lẹt đẹt, lẹt đẹt rất vui tai. Vì pháo không phải là một trò chơi an toàn nên đứa nào được cha mẹ cưng chiều, hay vòi vĩnh lắm mới có được bánh pháo tép. Nó sẽ trở thành trung tâm chú ý, là sự ngưỡng mộ của tất cả mọi đứa xung quanh khi mang bánh pháo của mình đi khoe với bạn bè.
Lũ trẻ chúng tôi đốt bánh pháo tép cũng như thực hiện một nghi lễ. Dù là pháo của ai thì cũng chọn ra người lớn tuổi nhất, uy tín nhất trong đám để đốt. Bánh pháo cũng phải buộc vào một cây gậy dài, rồi châm lửa từ xa. Cả đám tròn xoe mắt đứng nhìn dây pháo cháy dần trong không khí ngày xuân… Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi cũng đỏ tươi dưới ánh sáng mặt trời; bừng cháy trong đêm tối đến tận phút cuối cùng như bánh pháo; cháy một lần rồi là mãi mãi.
Mùa Tết nữa lại sắp về. Dù rằng giờ có nhiều loại pháo hoa đẹp hơn nhiều nhưng thỉnh thoảng trong ký ức xa xưa, tôi vẫn bâng khuâng khi nghĩ về một góc của những tiếng pháo nổ rộn ràng khi Tết đến…
[Hoài An]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn