Thương Nhớ Mười Hai


Tháng mười hai, mở “thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng ra đọc lại rồi mông lung nghĩ. Có lẽ mai này tôi cũng nên viết “thương nhớ người dưng” để ăn theo sự nổi tiếng, cái hay cái đẹp của cuốn sách này.
Tôi đọc rất nhiều sách, rất nhiều thể loại khác nhau. Nhưng lại rất ít khi gặp được lối viết cảm xúc, tình cảm tự nhiên như Vũ Bằng viết “thương nhớ mười hai”. Lật từng trang sách, nhiều khi tôi bắt gặp chính mình ở đó.

thương nhớ mười hai
Bìa cuốn "thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng. Ảnh: internet
  Cùng là đất nước, đi đâu mà chẳng thế? Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.
  Vũ Bằng
Vì tôi cũng là người “Bắc Việt”, đang sống ở Sài Gòn; vì tôi cũng từng nhìn mưa mà thấy thẫn thờ, mà thấy bơ vơ khi nghĩ đến ở Bắc, có lẽ bây giờ cũng mưa đầu hè đấy nhỉ? Nhưng mưa ở Bắc, nó khác kia. Quê hương tôi, xứ sở tôi sinh ra lớn lên mọi thứ đều khác Sài Gòn. Nơi có mỗi mùa mỗi vẻ, mỗi tháng lại có “những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ nhung riêng... Trông thấy cua bể lại nhớ đến bát cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ, gặp một ngày bão rớt thì lòng lại buồn rười rượi, nhớ đến thu sơ với gió heo may, hoa vàng. Trời tháng ba, nhớ hội hè đình đám, con gái hát ví nghe thật là hay, đàn ông đánh vật xem mà sướng mắt; tháng bảy, nhớ mưa ngâu rả rích buồn như lòng người khuê phụ nhớ chồng….”

Nhiều bạn trẻ bây giờ nói: từ ngữ trong “thương nhớ mười hai” rất cổ kính. Còn tôi thì nghĩ rằng, nó rất đẹp, rất thơ và rất đặc trưng của miền Bắc Bộ. Đọc, không chỉ thấy những quan sát rất tinh tế, kinh nghiệm thực của tác giả mà đôi lúc còn thấy sự dí dỏm rất đời của ông. Đọc, không chỉ biết được thêm rất nhiều phong tục, thú ăn chơi của người Hà Nội, mà còn biết về tài hoa của người cầm bút mang tên Vũ Bằng.
Những trang tùy bút như những lời tâm tình, thủ thỉ cho một người tri kỷ nghe. Mà quả thật, ông đề tặng cuốn sách này cho người bạn chiếu chăn của ông tên Nguyễn Thị Quỳ, thay cho lời ai điếu.
Gấp cuốn sách lại, nhiều lúc tôi nghĩ vu vơ, mai này có ai đó viết dành tặng mình một trang như Vũ Bằng viết ở “thương nhớ mười hai” thôi là cũng thấy hạnh phúc vì đã được sinh ra và được sống.
[Minh Huyền]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn