Bài Giảng Cuối Cùng - Randy Pausch


Randy Paush – một giáo sư tin học đã chuẩn bị về Bài Giảng Cuối Cùng trước khi từ giã cõi đời vì căn bệnh ung thư. Những bài học từ một cuộc đời thật, rất dung dị giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn về một nền giáo dục mình nên hướng tới cho tương lai.

Trong cuộc đời, có lẽ rất nhiều người sẽ chuẩn bị cho mình “lần cuối cùng”. Chuyến đi cuối cùng; Bữa tiệc cuối cùng… Ngay như cây cỏ cũng có loài mang tên “Hoa hạnh phúc cuối cùng”. Sẽ chẳng có gì ấn tượng cả nếu như tôi không đọc câu chuyện: “Đổ nước lên ghế xe” của Randy.

Chẳng là, Randy có hai đứa cháu gọi bằng cậu. Một đứa bảy tuổi, một đứa chín tuổi. Chúng rất thương quý cậu và ngược lại, Randy cũng thế. Một lần Randy đón chúng đi chơi trên chiếc xe Volkswagen Cabrio mui trần mới tinh vừa mua. “Phải cẩn thận trong xe mới của cậu Randy nhé” – mẹ của hai đứa trẻ nhắc các con – “Chùi chân trước khi vào xe. Đừng nghịch các thứ. Đừng làm bẩn xe”.
bài giảng cuối cùng

Bìa cuốn sách Bài Giảng Cuối Cùng của Randy Pausch. Ảnh: internet
Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.
Randy Pausch

“Đây đúng là kiểu răn bảo làm hỏng bọn trẻ. Tất nhiên chúng có thể làm bẩn xe tôi. Trẻ nhỏ làm sao có thể tránh được”. Vậy nên tôi làm mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Trong khi chị tôi nhắc nhở các quy tắc, tôi chậm rãi mở một lon nước ngọt, dốc ngược và đổ xuống chiếc ghế đệm bọc vải ở phía sau xe. Thông điệp của tôi: con người quan trọng hơn đồ vật. Một chiếc xe, kể cả quý giá như chiếc xe mui trần mới của tôi, cũng chỉ là một đồ vật. (*)
Điều tôi thấy thú vị là cách Randy suy nghĩ rất trùng hợp với tôi. Vì có lần tôi đến nhà một chị họ của mình chơi. Trong bữa ăn, đứa con sáu tuổi của chị đánh đổ nước ngọt và cơm ra bàn ăn, làm dơ chiếc khăn trải bàn ăn rất đẹp, mới mua. Chị đã cáu giận, quát tháo và chửi nó rất to tiếng, khiến đứa trẻ co rúm lại vì sợ hãi. Tôi thấy rất lạ khi chị không hiểu được một trong những tác dụng của cái khăn trải bàn là để làm sạch cái mặt bàn bên dưới. Nó chỉ là một đồ vật! Tại sao chị lại coi trọng đồ vật hơn con của mình?
Và khi đọc Bài Giảng Cuối Cùng tôi mới hiểu ra, phần nhiều những hành động, suy nghĩ đời thường của con người đều được hình từ khi còn nhỏ, trong cách giáo dục của gia đình, nhà trường.
Tôi nghĩ sẽ không ai phải hối tiếc khi dành thời gian đọc cuốn sách.
(*) Trích trong Bài Giảng Cuối Cùng của Randy Pausch.
[Minh Huyền]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn