Ảo Tưởng Và Thất Bại


Một anh bạn nọ, được tuyển dụng vào một công ty với một “personal profile” theo mọi người là rất “sáng sủa, hoành tráng”. Anh viết trong lý lịch cá nhân của mình rằng: đã từng giữ các chức vụ về quản lý; từng là đồng sáng lập của một số dự án được nhiều người biết đến.
Lúc mới bắt đầu làm việc, anh cũng thổi một luồng gió mới vào tinh thần làm việc của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong cách anh thể hiện, giao tiếp, ứng xử anh luôn tự đặt mình vào vị trí “bề trên” với mọi người. Trong cách suy nghĩ của anh, mọi thứ đều đơn giản như việc ngồi búng tay một cái “choách”!

bong bóng

Ảo tưởng và thất bại luôn song hành với nhau. Ảnh: internet

Anh được giao trọng trách quản lý cho một dự án của công ty. Suốt một thời gian dài, ngày nào mọi người cũng thấy  anh xách laptop lên ngồi và làm việc. Anh im lìm, chẳng nói năng với ai. Trong khi công việc cần sự tương tác trao đổi trực tiếp thì anh lại chỉ ngồi viết email diễn giải ý tưởng, yêu cầu của mình đối với mọi người xung quanh. Đến gần cuối giai đoạn của dự án, khi mọi thứ vào giai đoạn “sắp sửa an bài”, anh mới đưa ra những quan điểm của mình. Rằng, cái này chưa được, cái kia không hợp, khiến mọi người xung quanh ai cũng mệt mỏi, chán nản về cách làm việc của anh. Tuy nhiên, vì trách nhiệm, vì công việc mà mỗi người tự cố gắng thêm một chút để cho xong công việc đối với công ty.
Ngày sản phẩm ra mắt. Anh hớn hở tưng bừng vì dự án đã thành công. Tuy nhiên, sau một thời gian rất ngắn, chỉ vài tuần, chẳng có ai ngó ngàng gì đến sản phẩm của anh nữa. Cả công ty mới họp gấp để tìm ra lý do tại sao lại vậy?
Một loạt những lỗi rất cơ bản được chỉ ra. Anh ngồi im lặng, chẳng nói được lời nào trước tập thể những con người xung quanh. Dự án anh phụ trách và cho rằng nó đã thành công thì bây giờ phải đưa vào khắc phục để giảm thiểu tối đa khả năng đưa nó đến sự thất bại. Thêm một lần nữa, mọi người xung quanh nhìn ra được sự yếu kém của anh trong công việc.

thất bại

Thất bại là điều cẩn thiết để thành công. Ảnh: internet

Những vấn đề cần khắc phục đã được chỉ ra rõ. Tuy nhiên, anh cũng không làm tốt được. Và bước cuối cùng, người chịu trách nhiệm cao nhất trong công ty đã phải trao lại công việc cho những người khác giải quyết. Còn anh, lại hàng ngày lên mở laptop, xem việc này, xem việc kia và chẳng ai biết anh đang làm gì. Vì thực chất, anh cũng chẳng làm được gì nhiều.
Cả công ty, không ai nói ra. Nhưng có nhiều người thắc mắc, tại sao cấp lãnh đạo công ty không làm việc sa thải sau một loạt những điều đã minh chứng rõ ràng thế?
Đứng về phía công ty, họ muốn anh biết mình không làm được việc, không giúp gì được cho công ty thì hãy tự viết đơn xin nghỉ. Coi như tốt đẹp cho cả hai bên, vui vẻ cho cả hai phía.
Nhưng đứng về phía anh, anh lại suy nghĩ: cứ ngồi chơi xơi nước rồi lãnh lương cũng được chứ sao. Thời buổi kinh tế khó khăn, chẳng dễ dàng gì kiếm được một công việc nhàn hạ, lương cao. Chẳng ai đuổi mình, tội gì mình phải đi.
Những suy nghĩ ảo tưởng, thiếu tự trọng đó sẽ càng ngày càng khiến cho bản thân mỗi người lún sâu vào con đường thất bại do chính mình vạch ra.
Vì trên con đường đi đến thành công, sẵn sàng chấp nhận thất bại là một kỹ năng. Khả năng tự nâng cao lòng tự trọng, sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện chính mình.
[Saigonaise]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn