Suy Nghĩ Cuối Tuần: Chuyện Về Ngôn Ngữ


Tôi ngồi tìm hiểu một vài định nghĩa về ngôn ngữ, để hiểu rõ hơn về chức năng của nó. Nhưng tất cả đều chung chung, chẳng có gì rõ nghĩa, khiến tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để diễn đạt những điều mình suy ghĩ. Về ngôn ngữ.
1. Có người đã từng nói với tôi rằng, muốn biết về văn hóa của một vùng miền nào đó, chỉ cần ra chợ quan sát, lắng nghe những người ở chợ giao tiếp với nhau thì sẽ biết được. Tôi suy ngẫm về điều này, và cũng đã lắng nghe, quan sát thử. Tôi thấy nó có lý. Mỗi một vùng đất có một ngôn ngữ riêng để giao tiếp, gọi là phương ngôn. Khi người ta nói năng với nhau nhẹ nhàng, lịch sự thì biết ngay, nơi mình đang đứng, người dân có văn hóa và sự hiểu biết. Nhưng nếu ra chợ, người với người, nơi đâu cũng nghe thấy sự gắt gỏng, chửi bới nhau một cách thô thiển, tục tĩu, thì có thể những con người ở nơi đấy, quanh năm gắn liền với gà vịt, ruộng đồng; họ chẳng được đọc một cuốn sách nào, chẳng nghĩ rằng những lời mình đang nói ra nó là không đẹp, không thể hiện cho tính văn minh, lịch sự của con người.
dân tộc
Nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa của một vùng miền nào đó, chỉ cần ra chợ, lắng nghe họ giao tiếp với nhau sẽ biết được nhiều điều. Ảnh: internet
2. Nhưng ngược lại, có những người rất hiểu biết, được học hành nhiều thứ. Họ hiểu về các nền văn minh, hiểu thế nào là một người văn minh, hiểu thế nào là có văn hóa, vậy mà những lời họ nói ra, vẫn rất giống với những người quanh năm gắn liền với gà vịt, ruộng đồng ở trên. Họ lý giải rằng, đó là sự thoải mái, sự vui vẻ, có thể mang lại tiếng cười cho mọi người. Vì họ biết trường hợp nào thì có thể suồng xã, trường hợp nào cần nói những lời lịch sự, đẹp đẽ.
Tôi chẳng có ý kiến gì với những lý lẽ đó. Bởi ngay bản thân tôi, luôn thích sự tự do ở con người mình. Vậy nên tôi tôn trọng sự tự do ở người khác. Điều quan trọng là tôi có đón nhận những lời lẽ đó hay không. Vì tôi quan niệm, nói như thế nào không quan trọng. Miễn sao mình có thể chịu trách nhiệm trước bất kỳ điều gì mình nói ra, và mọi người xung quanh đón nhận lời mình nói, hiểu chúng.
Vì một trong những mục đích chính của ngôn ngữ là dùng để truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Chính vì vậy, nếu những lời được nói ra mà nó không được người khác đón nhận thì có nghĩa là bạn, hoặc tôi đã không thực hiện được chức năng của ngôn ngữ.
3. Một lần, tôi nhận được một bức thư ngắn của một người bạn mới ở nước ngoài về, với nội dung như sau:
“Dear Huyen,
Minh, an moi ve viet nam nghi tet. an da ke cho minh nghe ve Huyen. Ngay nao huyen di uong ca phe ( Coffee ) voi an and minh duoc khong? Huyen email cho minh Biet. Sorry if my Vietnam not good enough.
Christina Lny”.
Khi mới đầu đọc bức thư, tôi không hiểu nổi nội dung người viết thư đang muốn nói gì. Vì tôi vốn rất dở dịch tiếng Việt khi không có dấu. Nhất là khi các chữ được viết rất giống nhau, không viết hoa ngay cả tên riêng và sau dấu ngắt câu (dấu chấm).
delete
Đọc bức email với một lối ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, tôi muốn xóa. Ảnh: internet
Nhưng ngồi suy nghĩ, đọc đi đọc lại thì tôi cũng hiểu được nó. An là một người bạn thân của tôi, mới đi du học được mấy năm. Còn người viết thư đã qua Mỹ sống từ năm 16 tuổi, khi chúng tôi đang học lớp 10, cùng khóa với tôi và An. Khi còn học chung, cũng có đôi lần nói chuyện. Sau hơn 10 năm đi xa, giờ bạn có tên mới, và… có vẻ có nhiều cái mới. Tôi có nghe An nhắc đến người bạn của mình, nhưng tôi luôn nhớ bằng tên Hoa, tên tiếng Việt của bạn.
Một người bạn rất lâu rồi không gặp mà còn nhớ đến mình, tôi luôn thấy hạnh phúc về điều đó, với bất kỳ ai. Nhưng chẳng hiểu sao khi đọc thư Hoa (Christina Lny), tôi cảm thấy khó chịu, muốn xóa bức thư và không muốn gặp. Tôi viết trả lời mình từ chối. Với những lý do sau:
- Cứ cho rằng, bạn đã đi lâu, bạn đã trở thành một người không giỏi tiếng Việt, hoặc thậm chí không biết tiếng Việt cũng được. Nhưng cái cách viết hoa viết thường thì dù ngôn ngữ nào cũng có quy tắc giống nhau, và cái chữ "cà phê" không không nhất thiết phải mở ngoặc để bảo rằng “coffee”, nó chẳng có ý nghĩa gì cả, khi tôi là một người Việt. Và nếu đã viết được cả bức thư như vậy thì không lý gì không biết chữ “và” để khỏi phải dùng “an and minh”. Bạn không giỏi tiếng Việt, tôi lại không giỏi nói tiếng Anh khi giao tiếp với người Việt thì sẽ khó giao tiếp với nhau, kể cả xã giao đơn thuần.
- Câu “Sorry if my Vietnam not good enough”, một câu ngắn gọn mà có đến hai lỗi ngữ pháp thì cho thấy bạn chẳng những không giỏi tiếng Việt mà tiếng Anh cũng không giỏi nốt. Bạn đã chối bỏ gốc rễ, nhưng bây giờ, cái cành bạn cũng chẳng có, vậy thì bạn thuộc về nơi nào? Tôi sẽ nói chuyện gì khi gặp bạn đây? Tôi có thể gặp bạn cùng với An, nhưng câu chuyện giữa ba người sẽ chẳng có gì để nói khi tình bạn giữa tôi và An là một điều khác, không có liên quan với lời đề nghị gặp mặt của bạn.
4. Nói đến ngôn ngữ, tôi muốn nói đến văn hóa sử dụng ngôn ngữ của một quốc gia khác, mà tôi đã học và tìm hiểu về nó.
Nếu ai học tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp thì sẽ biết, người Pháp vô cùng tự hào về ngôn ngữ của mình. Họ cho rằng, tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ đẹp, lãng mạn, và cao cấp nhất thế giới. Họ cho rằng, ngôn ngữ của họ là một thứ thể hiện cho nền văn minh của đất nước. Người Pháp không sử dụng tiếng Anh trên đất nước của họ, ngoại trừ một số trường hợp rất đặc biệt, mang tính toàn cầu, có liên quan đến công việc. Kể cả những vùng nói tiếng Pháp-Anh song hành họ cũng không gọi tiếng Pháp đó là của người Pháp. Vì họ nói rằng: Nói tiếng Pháp bằng giọng Anh, ngôn ngữ Pháp không còn mang vẻ đẹp như nó vốn là nữa.
ngôn ngữ việt
Ngôn ngữ Việt là một loại ngôn ngữ giàu tính biểu cảm. Ảnh: internet
5. Nhìn những người trên xứ lạ, tôi ngẫm về những người thuộc xứ mình, với ngôn ngữ mình đang sử dụng. Tôi khẳng định với bạn rằng, bạn có đi khắp thế giới cũng khó có thể tìm ra những vần thơ, với một lối ngôn ngữ thể hiện được những hình ảnh đẹp như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người Pháp tự hào về ngôn ngữ của họ, vì họ cho rằng, ngôn ngữ của họ là một thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc khi nói lên với những âm cao, âm thấp. Nhưng tôi dám chắc với bạn, khó có một thứ ngôn ngữ nào lại giàu tính biểu cảm như ngôn ngữ Việt. Vì từ ngữ Việt rất phong phú, trừ những từ chuyên môn (chuyên ngành) vừa xuất hiện trong những lĩnh vực rất mới, chưa kịp có từ theo nghĩa Việt chuẩn xác thì mới mượn tạm tiếng Anh trong khi chờ những nhà ngôn ngữ học làm việc.
Tôi viết bài này, để chia sẻ với bạn rằng, ngôn ngữ Việt của chúng ta là một thứ ngôn ngữ vô cùng đẹp. Một lần, bạn hãy nhìn vào cách mà những người trí thức xưa nói chuyện với nhau, qua những tác phẩm văn học cũ; hay những bộ phim không-mang-tính-thương-mại, sẽ thấy lời thoại là những từ ngữ thuần Việt. Đừng vì bất kỳ lý do gì đó mà phá hỏng nó, làm biến thái nó như cách một số bạn trẻ thường sử dụng ngày nay trên internet.
Bởi, khi ngôn ngữ được coi trọng, giữ gìn thì văn hóa của của chúng ta được sẽ giữ gìn, bảo vệ. Mà văn hóa là thứ làm lên cốt cách con người; là linh hồn của một cộng đồng, của một dân tộc. Vì một cộng đồng, một dân tộc sẽ luôn sống mãi khi văn hóa, ngôn ngữ của họ vẫn còn tồn tại, ngay cả khi quốc gia bị mất đi.
[Minh Huyền]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn