Ký Ức Mùa Hạ


     Lâu lâu tôi thường hay nghĩ rằng, mình là người may mắn. May mắn vì đã được sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thuần túy của Việt Nam.
Mùa hạ, cũng là mùa gặt lúa ở quê tôi. Trong ký ức của tôi, mùa gặt thật sự là mùa vất vả của những người dân quê. Nhưng tôi thì thấy thích và vui. Vì tôi không phải là người lớn.

     Như việc tôi cứ thích đứng ra trước cái máy tuốt lúa để rơm phụt vào người. Tất nhiên thì bị người lớn la hét và chửi mắng rồi. Nhưng tôi chẳng sợ bị ngứa, chẳng sợ bụi mà lại thấy thích mùi rơm tươi. Khi tuốt lúa xong thì cứ trèo lên đống rơm rồi trượt xuống dưới. Thường mẹ và bà tôi hay rầy rà rằng, trèo lên thì rơm sẽ lún xuống, rất khó bốc lên để đem phơi. Nhưng tôi mặc kệ, cứ trèo lên rồi trượt tuột xuống. Mùi rơm tươi rất lạ lùng. Ngậm một cọng rơm trong miệng thấy có vị ngọt mát, mùi thơm nhẹ của lá cây, có mùi nồng của nắng và của đất. Hay tôi tự vẽ ra như thế? Nhưng tôi không bao giờ lẫn lộn và quên khi bắt gặp. Chỉ cần thấy là sẽ nhận ra ngay.

     Ngày mùa, vào mỗi buổi chiều, công việc của tôi là cào gọn thóc phơi trên sân giúp mẹ. Sau khi cào thóc thành một đống lớn thì lấy chiếu hoặc áo mưa trùm lên đống thóc. Rồi việc của tôi là lại... leo lên đó nằm ngắm trời đất. Vì tôi rất thích những khoảnh khắc như vậy. Buổi chiều mùa hè ở miền Bắc quê tôi trời rất đẹp. Màu xanh không thăm thẳm, không mênh mang như mùa thu nhưng mây thì rất trắng, rất nhẹ. Trèo lên đống thóc nằm, thấy mình cao hơn một tý, gần trời hơn một tý, thấy gió thổi nhiều hơn, để tôi hay nghĩ đến những thứ lạ lẫm hơn từ những giây phút như thế.

đom đóm
    Những đốm sáng lập lòe của đom đóm là cả thế giới tuổi thơ của lũ trẻ chúng tôi. Ảnh: internet

     Thế nhưng có một việc có lẽ rằng, bây giờ không đứa trẻ nào được thấy nữa... Đó là đi bắt đom đóm vào mỗi buổi tối.

      Trong ký ức của tôi, ngày đó, quê có rất nhiều đom đóm. Có ở khắp mọi nơi, nhất là ở ven các bụi cây, ngoài ngõ, bên đường, ven bờ ao. Đom đóm nhiều khi bay từng đàn ở phía trước đường. Cả đám trẻ chúng tôi cứ chạy, đuổi, và chộp đom đóm, nhốt vào lọ thủy tinh. Những cái lọ ấy thường là lọ thuốc pê-nê-xi-lin. Những lọ thuốc ấy sau khi được nhân viên y tế tiêm cho người, cho gia súc vứt đi, bọn trẻ chúng tôi nhặt về, bỏ lớp màng nhôm bọc ở đầu rửa sạch và giữ cái nút cao su cẩn thận để tối đi bắt đom đóm.

      Bắt đom đóm thì lúc đầu phải có một con làm "mồi". Tức là phải có một con đom đóm, giơ lên trên không trung, huơ lên huơ xuống, gần lũ đom đóm ở cây hoặc trên mặt ao. Sẽ có những con bay đến gần con đóm đóm đang làm “mồi đó”, bắt rất dễ dàng. Nhưng có một việc, đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi đó là, nhiều khi lũ trẻ chúng tôi còn vỗ tay nhử đom đóm. Cả đám trẻ con đều tin việc này, vỗ tay và hát: "Nếp, nếp, bố mày ăn cơm nếp/Mẹ mày ăn cơm tẻ/Đẻ ra mày rồi mày về với tao”. 

     Người dân quê tôi gọi đom đóm là nêm nếp. Câu chú ấy có linh nghiệm gì không mà bọn trẻ cứ nghêu ngao. Chẳng biết có phải là nghe được câu chú hay bị lừa bởi những ánh sáng lập lòe trong lọ thủy tinh mà đom đóm theo về.

      Mẹ của tôi không thích chị em tôi đi bắt đom đóm vì khi bắt xong, tay có mùi ngai ngái, hôi hôi. Nhưng mà điều ấy chẳng thể nào ngăn cản được việc chúng tôi vẫn đi bắt đom đóm hàng đêm rồi về chơi các trò như rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba với đám trẻ con trong xóm.

       Chạy nhảy, đuổi bắt đến khuya, khi mẹ gọi về đi ngủ thì cả đám mới đứa nào về nhà nấy. Về đến nhà, mẹ tôi lại còn bắt đi rửa chân tay để mẹ kiểm tra tay xem có sạch không rồi mới cho vào giường ngủ. Ôi! Tôi ghét việc ấy nhưng mà vẫn thấy rất vui khi những con đom đóm lập lòe, trước những cơn gió mùa hè mát lạnh trong đêm đi vào giấc ngủ.
 
[Daisy]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn