Suy Nghĩ Cuối Tuần: Sống Để Phù Hợp

Tôi có một người bạn được đi Pháp. Anh đi qua khá nhiều nơi nổi tiếng và được trải nghiệm nhiều điều là trưng của đất nước này. Khi về, anh đem những tâm tư, tình cảm và cả những suy nghĩ của riêng mình kể cho bạn bè nghe.
Trong nhiều câu chuyện anh đã kể, có câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Pháp, trong thị trấn Saumur dịu dàng bên dòng Loire hiền hòa... Khi chứng kiến cuộc sống êm đềm, thi vị… của những người dân ở đó, anh thấy thầm buồn, chạnh lòng khi nghĩ về quê hương mình. Không biết bao giờ những người dân quê mình mới được như thế.
Không có gì tốt, cũng không có gì xấu, chỉ là hai mặt vấn đề phù hợp hay không phù hợp. Ảnh: internet

Tôi mỉm cười nhẹ khi anh kể về những vũ điệu rạng ngời, say mê trong những bar nhỏ nhỏ. Tôi nói: cái sự làm lòng anh chạnh buồn thật phù dung. Và cái sự so sánh trong ý nghĩ của anh thật khập khiễng. Quê hương của anh (cũng là quê hương của tôi) không nên mơ một giấc mơ như thế. Một nền văn hóa đậm chất phương Đông thì có vẻ đẹp riêng của nó. Cái sự tinh tế của, cái đẹp của phương Đông khác với cái sang trọng, lịch lãm của phương Tây – và ở đây là Pháp. Chắc chắn vậy. Chính vì thế, nếu anh mơ… quê hương mình cũng (sẽ được) như những gì anh đã trải nghiệm, đã chứng kiến thì thật là phù dung.
Tôi nói chữ “Phù dung” cũng có ý của nó. “Phù dung” chứ không phải “Phù du”.
"Em không nói đến cuộc sống ở những thành phố lớn, với những con người thật sự hiểu biết, thật sự lựa chọn được chiều sâu, những điều mình mong muốn cho chính cuộc sống của mình. Và anh hãy để ý đến hoa phù dung, sớm nở, tối tàn, một ngày thay màu ba lần trước nắng gió. Nếu như đến đâu anh cũng mong muốn quê hương mình như vậy, thì cái gì sẽ còn là của riêng anh?". - Tôi đã nói thêm như vậy.
Anh đã bảo, tôi không hiểu điều anh cần nói. Anh nói tôi hiểu trần trụi quá. Dù là nền văn hóa nào, dù là ai, dù sống ở đâu thì người ta cũng cần phải Biết Sống và Biết Cảm Thụ Cuộc Sống. Và nơi anh đến, người dân có Điều Kiện để làm việc đó.
Hưởng thụ là cảm nhận chính từ bên trong mình

Nếu anh không nói thì tôi sẽ không nói gì thêm. Nhưng anh… lại đã nói ra nên tôi lại mỉm cười. Bởi vì anh không phân biệt được đâu là Điều Anh Muốn và đâu là Điều Mọi Người trong một nền văn hóa Cần! Mọi người, nền văn hóa ở đây là những người sống trên quê hương anh, đất nước của anh.
Tôi đã đưa ra một ví dụ rất cụ thể, nói rằng: “Vậy anh hãy mơ và thực hiện đi! Mơ giùm cả em nữa. Hãy mơ rằng những đứa trẻ ở các làng thôn quê Nam Định (quê hương của anh và cũng là quê hương của mình) không vùi đầu vào các tiệm game online từ sớm đến tối mà chúng sẽ biết làm các cánh diều giấy khi hè đến. Hãy mơ rằng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị không bị nhồi, bị ép đủ các kiến thức, sách vở từ khi… mới bập bẹ biết nói, trong khi cha mẹ chúng thừa hiểu rất rõ việc gì sẽ đến. Được nhồi nhét rất nhiều thứ nhưng những đứa trẻ rất thông minh ấy lại hồn nhiên trả lời trên một game show truyền hình rằng: “Dạ! Con thưa chú, theo con được biết thì Con Trâu Con Còn Được Gọi Là Con Heo”! Sau đó thì cả MC, cả những người làm cha làm mẹ, cả trường quay… và chắc chắn cả hàng ngàn người xem truyền hình ồ lên cười mà không hề thấy đó là một điều đáng xấu hổ và cần phải suy nghĩ. Đấy là một phần trong cách “Biết sống và biết Cảm thụ cuộc sống” mà không cần đề cập đến cái “Điều kiện” như anh nói.
Theo quan điểm của riêng tôi, sống ở đâu không phải là điều quan trọng, điều kiện sống không phải là yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống của mỗi người, mà là mỗi người hiểu rõ về những điều mình đang có, đã có để biết cách sống sao cho phù hợp với chính mình. Đành rằng, phải trông người để ngẫm đến ta. Nhưng học hỏi, không phải cái nào cũng là “chuẩn” để ta mang lắp đặt vào mình. Cũng giống như trên một cánh đồng rộng lớn, bên một bờ đê thì cánh diều có tiếng sáo vi vu thích hợp hơn một chiếc máy bay mô hình có điều khiển từ xa. Hưởng thụ là cảm nhận chính từ bên trong mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyện lạ như thật?

Muốn